Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê phát hành sáng 29/12, giải ngân vốn đầu tư công đạt 625.300 tỷ đồng - bằng 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước. Trước đó năm 2022, vốn giải ngân đầu tư công đạt 516.100 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch năm và tăng 19,9% so với năm trước.

Vốn đầu tư công được giải ngân cao kỷ lục nhưng khó hoàn thành kế hoạch năm
Tình hình giải ngân vốn đầu tư công qua các năm. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Năm 2023, kế hoạch vốn ngân sách được Quốc hội giao gần 711.700 tỷ đồng, là con số kỷ lục từ trước đến nay, tăng hơn 130.000 tỷ so với 2022 và 250.000 tỷ đồng so với 2021.

Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn. Như vậy, đến ngày 29/12, giải ngân vốn đầu tư công còn cách kế hoạch gần 10%, khó có thể về đích.

Dù chưa đạt như kỳ vọng, nhưng giải ngân đầu tư công vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế chung năm 2023. Xét về số tuyệt đối, 625.300 tỷ đồng là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay.

Ngay từ đầu năm, giới chuyên gia đã đề cập đến sức ép giải ngân nguồn vốn khổng lồ này đặc biệt trong bối cảnh giải ngân đầu tư công vẫn tổn tại một số nút thắt trong nhiều năm và chưa xử lý được trong thời gian ngắn như công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu,…

Tại hội nghị đốc thúc đầu tư công cuối tháng 11/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết lý do giải ngân chưa đạt kỳ vọng chủ yếu ở khâu tổ chức thực hiện. Bởi cùng điều kiện khó khăn chung về giá nguyên vật liệu tăng cao, một số bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân tốt, nhưng số khác lại chậm trễ. Vướng mắc nữa được bộ này nêu là thể chế, chính sách và đặc thù quy mô vốn năm nay lớn, tăng 130.000 tỷ đồng so với kế hoạch 2022.

Năm 2023 chứng khiến đà tăng ấn tượng của nhóm cổ phiếu đầu tư công, vượt trội so với hiệu suất 12,3% của VN-Index. Chẳng hạn như, mã chứng khoán của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VCG) tăng 57,5%; CTCP Lizen (LCG) tăng 70,5%; CTCP Fecon (FCN) tăng 52,7%; CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) tăng 87,5%,...