Một nội dung quan trọng được trình ĐHĐCĐ xem xét là thông qua việc VPBank nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém là một ngân hàng thương mại. Theo đó, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của tổ chức này không vượt quá 5% quy mô tương ứng của VPBank vào cuối năm 2023 và vốn điều lệ của TCTD không quá 5.000 tỷ đồng.

Sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, TCTD được chuyển giao bắt buộc sẽ hoạt động dưới hình thức Ngân hàng TNHH MTV do VPBank làm chủ sở hữu. Hiện, VPBank chưa công bố thông tin cụ thể về TCTD nào được nhận chuyển giao.

Liên quan đến nội dung này, cổ đông hỏi: "Tại sao VPBank lại nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng yếu kém?"

Trả lời cổ đông, Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng cho biết, xét về mặt năng lực tài chính, năng lực quản trị, không phải ngân hàng nào cũng có thể tham gia tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng. Hiện các ngân hàng 0 đồng đều bị lỗ luỹ kế rất lớn và đang tiếp tục lỗ.

Nếu chỉ xét ở góc độ tài chính đơn thuần thì hầu hết các ngân hàng không thiết tha gì với việc tham gia hỗ trợ ngân hàng 0 đồng.

Tuy nhiên, trường hợp của VPBank hơi đặc biệt. Do có sự tham gia của đối tác chiến lược SMBC nên VPBank có nền tảng vốn lớn. Bên cạnh đó, trong chiến lược của VPBank thì tăng trưởng quy mô rất quan trọng. Vì vậy, khi tham gia vào tái cơ cấu, VPBank có thể sẽ không có lợi ngay về mặt tài chính, nhưng sẽ có những lợi ích theo ông Dũng đánh giá là “phù hợp, hấp dẫn”.

Thứ nhất là về tăng trưởng tín dụng. Đây là điều kiện cần để VPBank tăng trưởng quy mô cao. Chúng ta sẽ được ưu tiên tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành.

Thứ hai là được ưu tiên mở "room" nước ngoài. Các ngân hàng bị giới hạn room nước ngoài ở mức 30%. Tuy nhiên, hiện nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn muốn tham gia vào VPBank. Nếu được nới “room” thì sẽ có điều kiện để nâng quy mô vốn của VPBank lên.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đặt vấn đề, nếu tham gia tái cơ cấu giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam tốt hơn, an toàn hơn mà có năng lực thì tại sao lại không làm?