Công văn số 2684/VPCP-TH ngày 23/4/2024 của Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 14/4, cơ quan này đã có báo cáo, trong đó tóm tắt bài viết trên báo chí về việc lượng nhập khẩu thép cán nóng (HRC) tăng mạnh lên hơn 9,6 triệu tấn, chủ yếu là từ Trung Quốc và Ấn Độ.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng thời gian vừa qua để chủ động thực hiện biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo vệ lợi ích chính đáng ngành sản xuất trong nước phù hợp với thông lệ quốc tế và môi trường cạnh tranh bình đẳng.

Vụ Hòa Phát và Formosa ‘tuyên chiến’ thép Trung Quốc, Phó Thủ tướng có chỉ đạo liên quan
Thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh trong 3 năm trở lại đây

Hiện tại, nhu cầu thép cán nóng HRC trong nước là khoảng 10 - 11 triệu tấn/năm, nhưng tổng lượng nhập khẩu năm 2023 đang là 9,6 triệu tấn/năm (chiếm 87 - 96% nhu cầu nội địa).

Trong khi năng lực sản xuất trong nước là 8,5 triệu tấn/năm. Như vậy, doanh nghiệp trong nước dường như đang đánh mất thị phần trên chính “sân nhà”.

Đáng chú ý, từ quý I/2023 đến quý IV/2023, giá HRC của Trung Quốc đã giảm từ 618 USD/tấn xuống còn khoảng 520 - 560 USD/tấn tùy loại.

Vậy nên, vào cuối tháng 3/2023, 2 doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước là Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã gửi hồ sơ đến Cục Phòng vệ thương mại đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép dùng thép HRC làm nguyên liệu đầu vào gồm: Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), Tôn Đông Á (GDA),...lại kịch liệt phản đối, đồng loạt gửi đơn thư nhằm bảo vệ thép HRC nhập khẩu.

Trước diễn biến trên, Bộ Công Thương đang trong quá trình thẩm định hồ sơ để làm cơ sở quyết định điều tra hoặc không điều tra vụ việc.