Ngoài bị cáo Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án, loạt pháp nhân liên quan trong vụ án gồm Ngân hàng SCB, CTCP Quốc Cường Gia Lai, CTCP T&H Hạ Long và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đã có đơn kháng cáo về phần tiền phải trả Chủ tịch Vạn Thịnh Phát.

Về phần dân sự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng kháng cáo đối với bản án tuyên.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường cho SCB hơn 673.800 tỷ đồng, vì bản chất bị cáo sử dụng toàn bộ số tiền này; tuyên bị cáo Lan phải chịu hơn 673 tỷ đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Trước đó, tại phiên xét xử ngày 28/3, SCB được tòa triệu tập với cả hai tư cách bị hại và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Bảo vệ cho pháp nhân này, luật sư Nguyễn Minh Tâm đưa ra hàng loạt vấn đề liên quan tới thiệt hại trong vụ án.

Luật sư Tâm đề nghị HĐXX xác định bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo phải bồi thường cho SCB số tiền thiệt hại tính đến ngày 5/3 (xử sơ thẩm) là hơn 760.000 tỷ đồng (hơn 482.000 nợ gốc, 277.830 tỷ đồng lãi) và lãi phát sinh cho đến khi nào SCB thực nhận được tiền.

Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc kháng cáo đề nghị HĐXX phúc thẩm tuyên rõ sau khi phía công ty thực hiện nghĩa vụ theo bản án thì hủy các hợp đồng khung liên quan và trả lại các tài sản đang bị kê biên cho công ty.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Nhiều pháp nhân không đồng ý với phương án, khoản tiền bồi hoàn cho Trương Mỹ Lan
Theo bản án sơ thẩm vụ Vạn Thịnh Phát, nhiều cá nhân, tổ chức phải nộp lại hàng nghìn tỷ đồng và 1.000 lượng vàng SJC cho bị cáo Trương Mỹ Lan

Trong phiên tòa sơ thẩm vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây án, toà tuyên Công ty T&H Hạ Long và Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh phải nộp hơn 6.095 tỷ đồng để đảm bảo nghĩa vụ bồi hoàn cho bà Trương Mỹ Lan.

Đồng thời, để đảm bảo nghĩa vụ của Công ty Âu Lạc, Công ty T&H Hạ Long, HĐXX sơ thẩm tuyên tiếp tục kê biên hơn 18 triệu cổ phần - chiếm 70,59% vốn điều lệ của Công ty T&H Hạ Long; 3 bất động sản thuộc sở hữu của Công ty T&H Hạ Long và 8 bất động sản thuộc sở hữu của Công ty Âu Lạc.

CTCP Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã kháng cáo phán quyết của TAND TP.HCM buộc hoàn trả lại hơn 2.800 tỷ đồng đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan.

Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai cho rằng công ty chỉ phải trả hơn 1.441 tỷ đồng cho Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, số tiền còn lại xin được cấn trừ vào những khoản tiền trước đó đã đưa cho công ty của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Theo bản án sơ thẩm, để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án, HĐXX buộc Công ty CP Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là hơn 2.800 tỷ đồng…

Đồng thời, tiếp tục kê biên 16 bất động sản với tổng diện tích khoảng 1ha tại xã Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP. HCM) giao Bộ Công an tiếp tục điều tra để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án.

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng kháng cáo xin không liên đới cùng Công ty dầu khí Đông Phương hoàn lại 443,6 tỷ đồng cho SCB.

Trước đó, theo lời khai của Chủ tịch HĐQT Dầu khí Đông Phương - Nguyễn Thanh Tùng, ông quen biết bà Trương Mỹ Lan vào tháng 5/2022 thông qua Trương Khánh Hoàng giới thiệu. Trước đó, Dầu khí Đông Phương có quan hệ vay tiền kinh doanh tại SCB vào năm 2019.

Sau khi mua bán, hợp tác một số dự án bất động sản, bà Lan chỉ đạo Trương Khánh Hoàng và Trần Thị Mỹ Dung cho nhóm công ty của Tùng “tham gia”. Cụ thể, nhóm ông Tùng đứng pháp nhân lập hồ sơ vay vốn tại ngân hàng SCB, còn bà Lan sẽ đưa tài sản thế chấp để đảm bảo thủ tục cho các khoản vay.

Sau khi thống nhất kế hoạch, ông Tùng chỉ đạo Đào Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Dầu khí Đông Phương, phối hợp cùng SCB lập hồ sơ vay vốn cho 35 công ty (gồm 33 công ty Tùng mượn pháp nhân của bạn, và 2 công ty do Kiên lập) để hợp thức 37 hồ sơ vay vốn.

Tổng số tiền vay hơn 1.720 tỷ đồng, trong đó Tùng được sử dụng 443,6 tỷ đồng của 11 khoản vay và Trương Mỹ Lan dùng 1.277 tỷ đồng của 26 khoản vay còn lại vào mục đích cá nhân. Lời khai của Tùng cho biết công ty không có nhu cầu vay vốn thực tế, mà chỉ để giúp Lan rút tiền của ngân hàng SCB.