Phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã kết thúc vào ngày 11/4 vừa qua. Sau 15 ngày từ ngày bản án có hiệu lực, các bị cáo, các bên liên quan đã lần lượt gửi đơn xin kháng cáo.

Thông tin cho biết, có 23/86 bị cáo gửi đơn kháng cáo. Phần lớn các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt, ngoại trừ Trương Mỹ Lan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, không đồng ý với tội tử hình.

screenshot-2024-05-05-at-22.44.27.png

Ngoài ra, đáng chú ý, bị cáo Nguyễn Thanh Tùng kháng cáo, xin không liên đới cùng Công ty Dầu khí Đông Phương hoàn trả lại 443,6 tỷ đồng cho SCB.

Trước đó, HĐXX tuyên án Nguyễn Thanh Tùng 5 năm tù về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Về trách nhiệm, buộc Nguyễn Thanh Tùng và công ty Dầu khí Đông Phương phải bồi hoàn lại số tiền 443,6 tỷ đồng cho ngân hàng SCB.

Theo cáo trạng, trong quá trình hoạt động, công ty Dầu khí Đông Phương có vay vốn tại ngân hàng SCB. Thông qua Trương Khánh Hoàng giới thiệu, Nguyễn Thanh Tùng có quen biết với Trương Mỹ Lan.

8(1).png

Để rút tiền từ SCB, tháng 5/2022 Trương Mỹ Lan thỏa thuận với Nguyễn Thanh Tùng để sử dụng các công ty trong nhóm của Tùng đứng tên, tạo lập hồ sơ vay vốn tại SCB, tài sản đảm bảo do Lan đưa vào, nhằm để Lan và Tùng sử dụng vào các mục đích khác nhau.

Nguyễn Thanh Tùng đã chỉ đạo Đào Chí Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đông Phương, và các đối tượng khác trong nhóm, đưa thông tin 35 công ty cho SCB. Nhóm Tùng lập 37 hồ sơ vay vốn với tổng số tiền 1.720 tỷ đồng. Theo định giá của công ty Hoàng Quân, tài sản đảm bảo của 37 khoản vay này có giá trị gần 883 tỷ đồng.

Trong đó, Tùng giao Đào Chí Kiên trực tiếp quản lý và chuyển thông tin 11 công ty cho nhân viên ngân hàng SCB để lập 11 hồ sơ vay vốn, giải ngân 443,6 tỷ đồng cho Tùng sử dụng vào việc nộp thuế cho Công ty Đông Phương. Theo định giá của công ty Hoàng Quân, giá trị tài sản có đủ pháp lý đảm bảo cho 11 khoản vay trên là hơn 90 tỷ đồng.

Lời khai của Tùng cho biết công ty không có nhu cầu vay vốn thực tế, mà chỉ để giúp Lan rút tiền của ngân hàng SCB.

Đào Chí Kiên, Phó Tổng giám đốc dầu khí Đông Phương khai nhận, là nhân viên phụ trách mảng kinh doanh xăng dầu của công ty, nhận lương 30 triệu đồng/tháng. Trong số 35 hồ sơ vay vốn, Kiên trực tiếp chuyển hồ sơ làm thủ tục cho 11 món, giải ngân 443,6 tỷ đồng cho Tùng sử dụng. Số còn lại do bạn Tùng chuyển thẳng hồ sơ lên nhóm viber có Kiên và người của SCB để thực hiện.

Dầu khí Đông Phương thành lập tháng 12/2010, do Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1982) là Tổng Giám đốc công ty từ cuối năm 2017.

Năm 2021, khi Nguyễn Thanh Tùng lên làm Chủ tịch HĐQT thì Đào Chí Kiên (sinh năm 1988) là Tổng Giám đốc.

Tháng 10/2018 công ty tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng. Còn gần đây nhất, tháng 11/2021 công ty tăng vốn điều lệ lên 630 tỷ đồng.