2023 là năm kinh doanh thua lỗ thứ 3 liên tiếp của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC - HoSE) với khoản lỗ sau thuế hợp nhất kiểm toán hơn 1.115 tỷ đồng.

Năm này, doanh thu công ty giảm gần 50% so với năm 2022 về mức thấp nhất kể từ năm 2016, còn hơn 7.500 tỷ đồng. Nếu so với mức kỷ lục hơn 18.600 tỷ của năm 2019 (trước dịch Covid-19), con số ghi nhận đã giảm hơn 11.100 tỷ đồng.

Tại báo cáo thường niên 2019, Hòa Bình khi đó ghi nhận gần 31.500 nhân sự (bao gồm cả thầu phụ), mạng lưới hoạt động tại 5 quốc gia trên thế giới là 47/63 tỉnh thành tại Việt Nam. Năm này, công ty hoàn thành hơn 3,16 triệu m2 công trình xây dựng.

Mảng thi công trung tâm thương mại và nhà ở duy trì tổng mức đóng góp trên 68% doanh thu hàng năm của doanh nghiệp.

Trong cơ cấu nhân sự, Hòa Bình có 24.300 công nhân thầu phụ, 3.463 nhân sự lao động gián tiếp và 3.722 công nhân cơ hữu. Chi phí nhân sự chiếm 8,2% tổng sản lượng trong khi thu nhập trung bình trên người lao động là gần 16,4 triệu đồng/tháng.

Nếu loại trừ số công nhân thầu phụ, doanh số trung bình/người lao động năm này đạt 2,59 tỷ đồng/người/năm.

Xây dựng Hòa Bình (HBC) giảm gần 30.000 nhân sự sau 4 năm
Nguồn: BCTN 2019 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình

Tại báo cáo thường niên 2023, tổng số nhân sự của Tập đoàn Hòa Bình chỉ còn 1.669 người (không còn ghi nhận khối thầu phụ) - giảm 61,4% so với năm trước đó. Thu nhập trung bình nhân sự giảm từ 22,95 triệu đồng xuống còn 20,39 triệu đồng/người/tháng.

Báo cáo thể hiện, nhân sự công ty giảm mạnh ở cả 3 khối, văn phòng, công trường và công nhân cơ hữu. Đáng chú ý, so với con số 1.260 nhân sự tuyển dụng mới của năm 2022, chỉ có 36 nhân sự mới được tuyển dụng vào làm việc tại Xây dựng Hòa Bình trong năm 2023. Ngược lại, số lao động thôi việc cũng tăng đột biến gần 2 lần so với năm 2022, với 1.706 người.

Điều tích cực là doanh số trung bình của nhân sự lại tăng mạnh so với thời điểm 2019, đạt 4,52 tỷ đồng/người/năm.