Theo báo cáo mới nhất từ Cục Thống kê, Bộ Tài chính, tháng 6/2025 ghi nhận tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 76,15 tỷ USD, tuy giảm nhẹ 3,2% so với tháng trước nhưng vẫn tăng mạnh 18,1% so với cùng kỳ năm 2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 432,03 tỷ USD – mức tăng ấn tượng 16,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4%, nhập khẩu đạt 212,2 tỷ USD, tăng 17,9%, đưa cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục xuất siêu 7,63 tỷ USD. Mặc dù giảm so với mức 12,15 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn thể hiện sự vững vàng trong điều kiện kinh tế thế giới nhiều bất ổn.
Tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực xuất khẩu, nhất là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), góp phần kéo GDP quý II/2025 tăng sát mốc 8% – cao hơn nhiều dự báo đầu năm.
![]() |
Xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm. (Nguồn: Cục Thống kê). |
Cấu trúc xuất khẩu: Công nghiệp chế biến tiếp tục là đầu tàu
Tháng 6/2025, kim ngạch xuất khẩu đạt 39,49 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, trong đó khu vực FDI tăng 24,4%, còn khu vực trong nước giảm 5,7%. Tính chung 6 tháng, xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD, với 28 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD, trong đó 9 mặt hàng vượt 5 tỷ USD.
Cơ cấu xuất khẩu tiếp tục cho thấy sự áp đảo của nhóm công nghiệp chế biến với 194,28 tỷ USD (chiếm 88,4%), trong khi nông, lâm, thủy sản chiếm tổng cộng 11%.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu tháng 6 đạt 36,66 tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 6, nhập khẩu đạt 212,2 tỷ USD, trong đó khu vực FDI chiếm gần 66%. Nhóm tư liệu sản xuất chiếm áp đảo (93,7%), với máy móc – thiết bị chiếm hơn 51% và nguyên vật liệu chiếm 42,5%, chỉ 6,3% giá trị nhập khẩu dành cho tiêu dùng.
![]() |
Xuất siêu sang Mỹ đạt 62,0 tỷ USD tăng 29,1% so với cùng kỳ năm trước. |
Xuất siêu kỷ lục sang Mỹ, nhập siêu từ Trung Quốc tăng hơn 42%
Về thị trường, Mỹ tiếp tục là đối tác thương mại quan trọng nhất với Việt Nam: Xuất khẩu sang Mỹ đạt 70,91 tỷ USD; Xuất siêu sang Mỹ đạt tới 62,0 tỷ USD, tăng 29,1%.
Các thị trường khác: EU: xuất siêu 19,0 tỷ USD (tăng 11,6%); Nhật Bản: xuất siêu 1,2 tỷ USD (tăng 69,1%); Trung Quốc: nhập siêu tới 55,6 tỷ USD, tăng 42,2%; Hàn Quốc: nhập siêu 14,6 tỷ USDASEAN: nhập siêu 7,5 tỷ USD (tăng mạnh 67,4%).
Những con số này cho thấy cán cân thương mại vẫn đang phụ thuộc đáng kể vào một số đối tác chủ lực. Xuất siêu sang Mỹ, EU giúp giữ thế cân bằng tổng thể, nhưng nhập siêu tăng mạnh từ Trung Quốc, ASEAN đặt ra yêu cầu cấp thiết về tái cấu trúc chuỗi cung ứng và tăng cường nội địa hóa sản xuất.
Để duy trì đà tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần sớm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu – nhập khẩu theo chiều sâu, giảm phụ thuộc vào nhóm hàng tư liệu sản xuất nhập khẩu và tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường, nhất là với các nhóm hàng có giá trị cao, hàm lượng công nghệ lớn.