Ngày 6/5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú đã thông tin về chương trình tín dụng ưu đãi 500.000 tỷ đồng.

Theo ông Tú, NHNN đã và đang tích cực xây dựng, hoàn thiện cơ chế triển khai gói tín dụng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với tổng giá trị lên tới 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD), nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng và công nghệ.

NHNN xác định, đây không chỉ là một chính sách tín dụng mà còn là công cụ điều hành vĩ mô quan trọng, nhằm tạo nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng trọng điểm và công nghệ số - tiền đề để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số trong tương lai gần.

Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã làm việc với 21 ngân hàng thương mại để bàn phương án triển khai gói tín dụng này. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) đăng ký 240.000 tỷ đồng, mỗi ngân hàng 60.000 tỷ đồng. Ngoài ra, 12 ngân hàng tư nhân quy mô lớn đăng ký mức 20.000 tỷ đồng/ngân hàng, cùng với 5 ngân hàng quy mô nhỏ hơn đăng ký khoảng 4.000 tỷ đồng/ngân hàng.

21 ngân hàng tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi thấp hơn 1%
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú chia sẻ thông tin về gói tín dụng 500.000 tỷ đồng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đáng chú ý, các dự án trong lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số, sản xuất thông minh… sẽ được ưu đãi lãi suất thấp hơn ít nhất 1% so với mức bình quân hiện tại. Thời gian ưu đãi lãi suất được kéo dài tối thiểu 2 năm, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp triển khai dự án một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, gói tín dụng hoàn toàn không sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước hay vốn vay nước ngoài. Thay vào đó, các ngân hàng sẽ sử dụng nguồn lực huy động của mình để cấp tín dụng, trên cơ sở cơ cấu lại vốn vay, kéo dài thời gian cho vay, cũng như đồng tài trợ cho các dự án lớn.

Với hình thức này, gói tín dụng không chỉ đảm bảo tính linh hoạt mà còn giảm gánh nặng ngân sách, trong khi vẫn hỗ trợ mạnh mẽ các lĩnh vực cần vốn trung và dài hạn.

Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN lưu ý, nhu cầu vốn trong lĩnh vực hạ tầng và công nghệ là rất lớn, nên cần xác định rõ đối tượng và dự án ưu tiên. Việc phân bổ cần bám sát chủ trương của Chính phủ và Nghị quyết 57, bảo đảm không dàn trải, tránh trùng lặp, cũng như bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn cao nhất.

Đồng thời, do đặc thù các dự án hạ tầng có thời gian vay dài (5–10 năm), ông Tú nhấn mạnh cần điều phối linh hoạt để đảm bảo thanh khoản và an toàn hệ thống tín dụng.

“Gói tín dụng này là chính sách hỗ trợ, nhưng nếu thiếu đồng bộ giữa vốn ngân sách và vốn tín dụng, cả hệ thống ngân hàng có thể bị đẩy vào thế rủi ro cao. Do đó, cần có phối hợp đồng bộ giữa các bộ ngành chặt chẽ, kịp thời, có trách nhiệm cao để gói tín dụng phát huy hiệu quả thực chất”, Phó Thống đốc NHNN nhận định.