Tại buổi gặp mặt cán bộ cơ quan chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày 8/4, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân là ưu tiên hàng đầu, hướng tới mục tiêu miễn viện phí cho toàn dân.

Phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/5, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định: “Miễn viện phí là một chủ trương lớn, đầy tính nhân văn, thể hiện rõ nét tính ưu việt của chế độ trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.”

Ông Thuấn cho biết, đây không chỉ là định hướng chiến lược dài hạn mà còn là mục tiêu cụ thể mà toàn ngành y tế đang quyết tâm thực hiện. “Chính sách này chạm đến trái tim của hàng triệu người dân,” ông Thuấn nhấn mạnh.

Về định hướng, từ 2026-2030, 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khỏe, tiêm chủng vắc xin đầy đủ theo độ tuổi, đối tượng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ, trẻ em...

Bộ Y tế: Dự chi 25.000 tỷ/năm để 100 triệu dân khám sức khỏe định kỳ
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn tại buổi họp báo (Ảnh: VGP)

"100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm 1 lần. Chúng tôi ước tính 100 triệu người dân với chi phí mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng/người sẽ chi khoảng 25.000 tỷ đồng/năm", Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Theo đó, người dân được lập sổ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe trong suốt vòng đời, được sống trong môi trường xanh, sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng hợp lý. Người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế được quan tâm, chăm sóc xã hội; nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe nhân dân được bảo đảm.

Ngân sách nhà nước tăng hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế để phấn đấu 100% dân số có bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế và từng bước chi trả cho dịch vụ dự phòng, khám sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm, từng bước giảm tỷ lệ chi trả của người dân trong tổng chi tiêu cho sử dụng dịch vụ y tế xuống dưới 20%, tỷ lệ đồng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế xuống dưới 10%.

Đến năm 2045, hệ thống y tế đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân, giảm gánh nặng chi phí y tế, thực hiện chủ trương người dân không phải chi trả thêm chi phí khi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia hàng đầu thế giới về bảo đảm an sinh xã hội trong y tế.

Về lộ trình thực hiện, từ năm 2026-2030, nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách để thực hiện như mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản để tăng lên 20 - 30% mức lương cơ sở (hiện nay là 15%).