Tại chương trình “Cà phê Doanh nhân”, ngày 10/5, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, đã đưa ra con số khiến nhiều người sửng sốt: hiện có 2.200 dự án bị ách tắc trên cả nước, với tổng vốn đầu tư lên tới 5,9 triệu tỷ đồng, tương đương gần 50% GDP quốc gia.
"Con số ấy không chỉ cho thấy quy mô của sự lãng phí, mà còn phản ánh mức độ nghiêm trọng của những điểm nghẽn thể chế đang trói tay khu vực tư nhân và cản bước đầu tư công", ông Lực chỉ rõ.
Ông cảnh báo: nếu không có cú hích về thể chế, hàng triệu tỷ đồng sẽ tiếp tục bị giam lỏng, và điều đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp đang phải oằn mình trả lãi ngân hàng cho các dự án không thể triển khai, trong khi ngân sách nhà nước cũng mất đi hàng chục ngàn tỷ đồng thuế mỗi năm từ các dự án “chết lâm sàng”.
Điều đáng nói, một trong những lý do khiến các dự án không thể triển khai là sự chồng chéo của các thủ tục pháp lý giữa các bộ, ngành và địa phương. Các bộ luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, và Luật Đầu tư công đang thiếu sự đồng bộ, khiến cho các doanh nghiệp không biết phải "gõ cửa" đâu để giải quyết các vướng mắc, điều này khiến hàng loạt dự án bị đình trệ, nhất là trong lĩnh vực bất động sản.
![]() |
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng, việc tăng cường đầu tư công và thúc đẩy khu vực bất động sản sẽ là hai yếu tố quan trọng nhất để tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. |
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh: đầu tư công và khu vực tư nhân, đặc biệt là bất động sản, đang là hai động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Dẫn số liệu tính toán, ông cho biết: mỗi 1% tăng trong đầu tư công có thể góp phần làm GDP tăng thêm khoảng 0,06 điểm phần trăm. Như vậy, nếu đầu tư công tăng 30% trong năm, nền kinh tế hoàn toàn có thể được bơm thêm 1,8 điểm % tăng trưởng. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công chỉ đến nếu các dự án được triển khai nhanh chóng, đúng tiến độ – điều đang bị cản trở bởi chính những nút thắt thể chế hiện nay.
Đối với khu vực bất động sản, ông dẫn lại báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy: doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực này đóng góp ngân sách lớn thứ hai toàn quốc trong năm 2023, với hơn 37.000 tỷ đồng, và chiếm tới 3/10 trong số các tập đoàn nộp thuế lớn nhất năm 2024.
Tuy nhiên, trên thực tế, hàng loạt dự án lớn, từ nhà ở xã hội đến khu đô thị quy mô hàng ngàn tỷ, hiện không thể triển khai do vướng hàng chục loại thủ tục chồng lấn giữa các luật (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công...). Mỗi bộ, ngành, địa phương có cách hiểu và thực thi khác nhau, khiến doanh nghiệp không biết "gõ cửa" ai.
Do đó, chúng ta cần một cơ chế xử lý mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương để giải quyết dứt điểm "cơn tắc nghẽn" này. Đây không chỉ là vấn đề giải cứu doanh nghiệp hay khơi thông nguồn vốn, mà là giải phóng tiềm năng tăng trưởng thực sự của nền kinh tế.
"Chỉ cần tháo gỡ được 200 trong số 2.200 dự án, tức chưa đến 10%, nền kinh tế cũng có thể tăng trưởng thêm gần 1% GDP – một con số cực kỳ ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu giữ vững mức tăng trưởng 6–6,5% giữa nhiều bất ổn toàn cầu", TS. Lực khẳng định.