Mới đây, tờ SCMP đưa tin Alibaba - nền tảng mua bán xuyên biên giới với hơn 150 triệu thành viên đăng ký - đã cho ra mắt “cơ sở dịch vụ thương mại kỹ thuật số” đầu tiên tại Thượng Hải. Cơ sở được thành lập để cung cấp “dịch vụ toàn diện một cửa” cho người tiêu dùng địa phương.

Tiếp đó, công ty cũng cải tiến trang web Alibaba.com bằng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm tự động hóa danh sách mặt hàng và dịch vụ khách hàng.

Theo công ty, một thử nghiệm nội bộ cho thấy tính năng AI này giúp người bán cải thiện mức độ tiếp xúc với người dùng khoảng 19%.

Được biết động thái này diễn ra sau khi Alibaba triển khai chuyến bay chở hàng chuyên vận chuyển bưu kiện giữa Trung Quốc và Mexico, thông qua đơn vị logistics Cainiao và nền tảng bán lẻ xuyên biên giới AliExpress.

Trên tài khoản WeChat chính thức của công ty hồi đầu tháng này, Alibaba tuyên bố rằng chuyến bay giữa Thâm Quyến và thành phố Mexico sẽ cho phép người mua Mexico nhận được sản phẩm ngay sau 10 ngày kể từ khi đặt hàng.

Ngoài ra, nhằm mở rộng sự hiện diện của mình tại Đông Nam Á, công ty này còn “bơm” 634 triệu USD vào Lazada, một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất mà Alibaba mua lại vào năm 2016. Kể từ đó nâng tổng số tiền đầu tư lên khoảng 7,4 tỷ USD.

Trong quý III, hoạt động kinh doanh quốc tế của Alibaba ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 53%, nhanh nhất trong số tất cả các đơn vị của tập đoàn.

Alibaba đầu tư lớn vào dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới ở Thượng Hải, rót vốn 'khủng
Lazada, "ông lớn" thương mại điện tử tại Đông Nam Á, vừa nhận thêm 634 triệu USD vốn đầu tư từ công ty mẹ Alibaba Group. Nguồn: SCMP

Sự cạnh tranh giữa các công ty để thu hút người dùng Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Đầu tuần này, một trung tâm đổi mới ở Thâm Quyến được Amazon cho ra đời để giúp người bán “xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm và số hóa hoạt động”.

Trong khi đó, Chew Shou Zi - giám đốc điều hành công ty công nghệ ByteDance cho biết họ đang triển khai hoạt động thương mại điện tử ở nhiều thị trường khác nhau bao gồm cả Mỹ. Tiếp theo đó sẽ là kế hoạch rót hàng tỷ USD vào Đông Nam Á trong những năm tới.

Gần đây công ty đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào GoTo Gojek Tokopedia, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất ở Indonesia.

Thị trường thương mại điện tử ở nước ngoài đang trở nên hấp dẫn đối với các nhà điều hành Trung Quốc sau sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nền tảng như Temu, nền tảng mua sắm của PDD Holdings và ứng dụng thời trang nhanh Shein. Các nhà phân tích cho biết Temu là động lực chính thúc đẩy doanh thu của PDD tăng 94% trong quý III năm nay.