Chính phủ Ấn Độ vừa công bố áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời 12% đối với một số sản phẩm thép phẳng không hợp kim và hợp kim nhập khẩu. Quyết định này nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng từ thép nhập khẩu giá rẻ.
Theo thông báo, mức thuế trên sẽ có hiệu lực trong vòng 200 ngày kể từ ngày ban hành (trừ khi bị sửa đổi, thay thế hoặc hủy bỏ sớm hơn). Biện pháp này đi kèm với quy định ngưỡng giá nhập khẩu, dao động từ 675 USD/tấn đến 964 USD/tấn đối với từng loại sản phẩm thép cụ thể. Các lô hàng nhập khẩu có giá CIF thấp hơn ngưỡng trên sẽ bị áp thuế tự vệ. Ngược lại, hàng hóa nhập khẩu đúng hoặc cao hơn ngưỡng giá quy định sẽ không bị áp thuế.
![]() |
Ấn Độ áp thuế 12% để hạn chế nhập khẩu thép giá rẻ |
Cụ thể, thuế tự vệ tạm thời 12% áp dụng đối với 5 nhóm sản phẩm thép gồm:
-
Thép cuộn và tấm cán nóng (Hot Rolled Coils, Sheets and Plates)
-
Tấm thép dày cán nóng (Hot Rolled Plate Mill Plates)
-
Thép cán nguội (Cold Rolled Coils and Sheets)
-
Thép mạ kim loại (Metallic Coated Steel Coils and Sheets)
-
Thép sơn màu (Colour Coated Coils and Sheets)
Tổng cục Phòng vệ Thương mại Ấn Độ (DGTR) cho biết, việc nhập khẩu các sản phẩm trên đã tăng đột biến một cách bất thường, gây nguy cơ tổn hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất nội địa. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, ngành thép Ấn Độ có thể phải gánh chịu những hậu quả khó khắc phục.
Văn bản cũng cho biết, chính sách thuế tự vệ này không áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển được chỉ định theo Điều 8B của Luật Thuế quan Hải quan Ấn Độ - ngoại trừ hai quốc gia là Trung Quốc và Việt Nam. Như vậy, thép từ Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng theo quy định mới.
Phát biểu về quyết định này, Bộ trưởng Liên bang phụ trách công nghiệp nặng – ông H.D. Kumaraswamy đánh giá đây là bước đi "kịp thời và cần thiết", nhằm tái lập môi trường cạnh tranh công bằng và ổn định cho thị trường thép nội địa. "Biện pháp này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, vượt qua áp lực lớn từ làn sóng thép nhập khẩu giá rẻ", ông nói.
Trong năm 2024, Ấn Độ là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ 4 của Việt Nam, với sản lượng khoảng 750.000 tấn, chiếm khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành. Việc Ấn Độ áp thuế và không miễn trừ cho Việt Nam có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép trong thời gian tới.