Theo báo cáo mới công bố từ Counterpoint Research, Apple đã chiếm lĩnh 19% thị phần smartphone toàn cầu trong quý I/2025, vượt qua Samsung với 18%. Đây là một thành tích mang tính bước ngoặt bởi thông thường, quý đầu năm là thời điểm các hãng Android như Samsung chiếm ưu thế nhờ loạt sản phẩm mới. Trong khi đó, Apple thường đạt đỉnh doanh số vào quý IV, sau các sự kiện ra mắt iPhone mùa thu.
Tuy nhiên, năm nay đã có sự thay đổi chiến lược đáng chú ý từ phía Apple. Tháng 2/2025, hãng bất ngờ tung ra mẫu iPhone 16e – một phiên bản giá “mềm” hơn, được xem như nhánh mới giữa chu kỳ phát hành thường niên. Chiếc điện thoại này nhanh chóng trở thành "gà đẻ trứng vàng", mang về doanh số vượt kỳ vọng, đặc biệt tại các thị trường mới nổi.
Sự xuất hiện của iPhone 16e ngay trong thời điểm đầu năm được đánh giá là bước đi chiến lược, giúp Apple chủ động cạnh tranh với các hãng Android trong “mùa bán hàng đầu tiên” – vốn từ lâu là lợi thế của Samsung. Không những vậy, việc đưa ra một mẫu iPhone với mức giá dễ tiếp cận hơn đã mở rộng đối tượng người dùng, đặc biệt là tại các quốc gia có thu nhập trung bình.
Theo các chuyên gia phân tích, sự dịch chuyển này không chỉ giúp Apple giành thêm khách hàng từ đối thủ mà còn tận dụng được nhu cầu mua sắm tăng cao tại nhiều quốc gia đang phát triển, nơi thị trường smartphone vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Trong khi doanh số tại các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu và Trung Quốc bắt đầu chững lại hoặc suy giảm nhẹ, Apple lại ghi nhận mức tăng trưởng hai con số tại nhiều khu vực mới nổi như Ấn Độ, Đông Nam Á, Nhật Bản, Trung Đông và châu Phi.
![]() |
iPhone 16e giúp Apple thắng lớn về doanh số trong 3 tháng đầu năm. Ảnh minh họa |
Sự thành công này đến từ việc Apple đã chủ động điều chỉnh chiến lược tiếp cận. Từ việc mở rộng hệ thống phân phối, ra mắt các chương trình tài chính linh hoạt, đến việc tối ưu dịch vụ theo nhu cầu từng khu vực – tất cả đều nhằm củng cố sự hiện diện tại các thị trường đang phát triển. iPhone 16e, với mức giá thấp hơn so với các phiên bản tiền nhiệm, chính là "vũ khí" chủ lực trong kế hoạch mở rộng thị phần toàn cầu của Apple.
Counterpoint Research cũng ghi nhận rằng toàn bộ thị trường smartphone toàn cầu đã có sự phục hồi nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này phần lớn đến từ các yếu tố như phục hồi kinh tế tại Mỹ Latinh, châu Á – Thái Bình Dương và nhu cầu tăng cao tại Trung Quốc nhờ chính sách trợ giá từ chính phủ.
Tuy nhiên, triển vọng cho cả năm 2025 vẫn chưa thật sự sáng sủa. Các chuyên gia cảnh báo rằng những rủi ro kinh tế vĩ mô – bao gồm lạm phát, chính sách thuế quan mới từ Mỹ và căng thẳng thương mại leo thang – đang bắt đầu ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người tiêu dùng. Dựa trên các dấu hiệu này, Counterpoint đã điều chỉnh giảm dự báo lượng smartphone xuất xưởng toàn cầu trong năm nay, dự kiến sẽ thấp hơn so với năm 2024.
Dù mất ngôi đầu trong quý I, Samsung vẫn duy trì vị thế mạnh với nhiều dòng sản phẩm chiến lược. Galaxy S25 ra mắt muộn nhưng đã có màn bứt tốc trong tháng 3, đặc biệt là bản cao cấp S25 Ultra. Bên cạnh đó, các mẫu tầm trung thuộc dòng Galaxy A tiếp tục mang lại doanh số ổn định tại nhiều thị trường.
Ở nhóm tiếp theo, Xiaomi, Vivo và OPPO giữ vững vị trí trong top 5 nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Trong đó, Vivo ghi nhận sự bứt phá đáng kể khi vượt qua OPPO để vươn lên một bậc, nhờ thành tích bán hàng ấn tượng tại Trung Quốc và các thị trường mới nổi.