Ngày 19/4/2025, tại điểm cầu trung tâm Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. HCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Theo Bộ Xây dựng, sự kiện quy tụ 80 dự án trên cả nước với tổng vốn đầu tư hơn 445.000 tỷ đồng, trong đó có 40 dự án giao thông, 12 công trình công nghiệp - dân dụng và nhiều lĩnh vực khác.

Riêng TP. HCM có 6 dự án được khởi công, khánh thành, đáng chú ý là hạng mục lấn biển thuộc dự án khu đô thị du lịch Cần Giờ do CTCP Đô thị du lịch Cần Giờ - công ty con của Vingroup (HoSE: VIC) làm chủ đầu tư. Đây là một trong những dự án quy mô lớn, mang tính chiến lược tại khu vực ven biển phía Nam thành phố.

Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có tổng diện tích 2.870ha và Khu đô thị lấn biển Cần Giờ do công ty con của Vingroup (VIC) triển khai, có diện tích 2.870ha và quy mô dân số gần 230.000 người. Dự án được chia thành 4 phân khu A, B, C và D-E, bao gồm hàng loạt tiện ích hiện đại như sân golf, resort, quảng trường, sân vận động và tòa tháp biểu tượng cao 108 tầng. Trong đó, hạng mục lấn biển đã được phê duyệt đầu tư với 1.357ha, dự kiến triển khai đến năm 2031, bao gồm các hạng mục san nền, kè hồ và kè biển.

Dự án được phát triển theo định hướng ESG (xanh sinh thái toàn diện) với mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo từ điện gió ngoài khơi, giao thông xanh, metro kết nối sẽ đi trên cao... Chủ đầu tư kỳ vọng dự án hoàn thành sẽ là "lá phổi thứ hai" của TP. HCM bên cạnh rừng ngập mặn.

Thủ tướng phát lệnh khởi công siêu dự án lấn biển của Vingroup tại Cần Giờ
Khu vực xây dựng dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ (Ảnh: Thanh Tùng)

Nhằm tăng cường kết nối hạ tầng với huyện Cần Giờ - nơi triển khai dự án, TP. HCM cùng các doanh nghiệp đã đề xuất loạt giải pháp phát triển giao thông trọng điểm. Mới đây, Vingroup đã đề xuất phương án đầu tư tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao nối trung tâm TP. HCM với Cần Giờ với tổng mức đầu tư khoảng 102.370 tỷ đồng (tương đương 4,09 tỷ USD).

Tuyến metro dự kiến bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), kéo dài 48,5km đến khu đất 39ha giáp ranh Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (xã Long Hòa). Tuyến đường sắt đôi khổ 1.435mm sẽ được xây dựng trên cao, với tốc độ thiết kế 250km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục. Hệ thống có thể vận chuyển 30.000 - 40.000 hành khách mỗi giờ theo từng hướng. Hai depot dự kiến đặt tại quận 7 (20ha) và xã Long Hòa (39ha).

Song song với metro TP. HCM - Cần Giờ, địa phương cũng đề xuất xây dựng cầu Cần Giờ để thay thế phà Bình Khánh, giúp kết nối huyện đảo này với trung tâm TP. HCM. Cầu có chiều dài khoảng 7,3km, xuất phát từ đường 15B (huyện Nhà Bè), bắc qua sông Soài Rạp và nối vào đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ). Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 10.500 tỷ đồng với kế hoạch khởi công năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.