Tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa theo chiều rộng

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho hay, qua sự kiện thuế đối ứng vừa qua, mới thấy rằng tính tự cường, năng lực tự đàn hồi của nhiều ngành hàng xuất khẩu lớn như giày da, thuỷ sản, gỗ, hàng điện tử… đều rất yếu kém.

"Chúng ta đang tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng, dựa vào các đầu vào chi phí thấp bao gồm nhân công chi phí thấp và nguyên vật liệu đầu vào còn tương đối rẻ. Đặc biệt như ngành gỗ - ngành thâm dụng lao động cao vẫn đang dựa vào hai lợi thế này", ông Hoài đánh giá.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các giải pháp đồng bộ... hình minh họa)

Tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa theo chiều rộng.

Các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu lấy công làm lãi. Như chỉ với mức thuế trần 10% của Chính phủ Mỹ, các doanh nghiệp gỗ đã phải đôn đáo đàm phán với các đối tác.

"Các đối tác thường phản hồi là "cưa đôi", mỗi bên chịu một ít. Nhưng các doanh nghiệp với mức lãi suất thường ở dưới 5% làm sao có thể chịu được? Chưa nói đến mức thuế 46%", ông Hoài cho biết.

Thách thức thứ hai theo ông là các doanh nghiệp vẫn “bỏ tất cả trứng vào một giỏ”. Với ngành gỗ, tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường Mỹ lên đến 56,4% năm 2024, chỉ cần vài cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp theo Đạo luật của Mỹ là doanh nghiệp mất cân bằng.

Do đó, đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, đến lúc phải nhìn lại chặng đường đã qua. Sắp tới chúng ta phải chấp nhận một kịch bản nhất định về thuế đối ứng.

“Tôi cho rằng đã đến lúc phải hi sinh tăng trưởng số lượng mà nâng hơn về chất lượng. Với ngành gỗ có thể phải làm ít sản phẩm đi nhưng sản phẩm giá trị cao. Mặc dù số lượng doanh nghiệp làm được điều này chưa nhiều nhưng họ không bị lung lay nhiều khi có thuế đối ứng. Họ là những 'chim đầu đàn' về phát triển bền vững”, ông Hoài nói.

Theo ông Hoài, ngành gỗ đang trải qua thời kỳ rất khó khăn khi bị áp thuế đối ứng, tuy đang hoãn 90 ngày nhưng vẫn áp dụng mức 10% chung. Song song với đó ở trong nước, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về vấn đề hoàn thuế.

Chia rõ các nhóm hỗ trợ

Trong khi đó, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, đã đề xuất các Bộ, ngành chia thành 5 nhóm nhu cầu của các doanh nghiệp, bao gồm thị trường, tài chính, đầu tư, nhân lực và các thủ tục hành chính. Đồng thời, ông đề nghị kết hợp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Ông Mạc Quốc Anh nêu rõ hiện tại đã có Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Doanh nghiệp,... Do đó, các chương trình hỗ trợ cần chứng minh được việc tuân thủ thủ tục hành chính và các chi phí phải dưới 1% doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vì mức phí trên 1% sẽ gây khó khăn cho sự phát triển của các doanh nghiệp.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là TP Hà Nội và TP.HCM, phấn đấu chỉ tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 tối thiểu ở mức 8-10%
Doanh nghiệp mong muốn được chia rõ các nhóm hỗ trợ.

Bên cạnh đó, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, cần có sự phối hợp đa ngành thống nhất và đồng bộ, để việc kết hợp giữa vốn Nhà nước với vốn của doanh nghiệp tư nhân và các định chế tài chính quốc tế có sự liên thông liên ngành nhằm đảm bảo hiệu quả.

Đồng thời, cần có bộ đo lường các tác động theo vòng đời. Cụ thể, ông đề xuất đưa bộ tiêu chí đánh giá về Chỉ số KPI về tài chính, việc làm, năng suất lao động, sản xuất xanh,... vào Nghị quyết 01 hàng năm để góp phần tăng hiệu quả của công tác sơ kết, tổng kết đánh giá.

Để doanh nghiệp nhỏ và vừa "cất cánh", ông Mạc Quốc Anh đề xuất trong thời gian tới, Chính phủ cần rời vị trí là người cấp phát sang vai trò đồng kiến tạo, đồng đầu tư và chia sẻ rủi ro.

Ông đề xuất Chính phủ xem xét hợp nhất Luật Doanh nghiệp và Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được ra đời năm 2017 do có sự chồng chéo. Ngoài ra, ông cũng kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương đến năm 2027 có thể số hoá 100% thủ tục hành chính qua một cửa liên thông.

Để giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh đề xuất giảm 15% cho phần lợi nhuận tái đầu tư vào các thiết bị xanh, thiết bị số hoá cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này. Đồng thời, cho phép doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê các chuyên gia trọn gói và Nhà nước hỗ trợ tài chính; miễn phí 100% các phí về chữ kí số, hoá đơn điện tử.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội mong muốn có sự điều chỉnh trong Luật Đấu thầu là dành tối thiểu 20% giá trị gói thầu của Chính phủ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đủ năng lực có thể tham gia vào dự án.

Ông cũng đề xuất có cơ chế để bồi hoàn ngân sách theo kết quả. Nếu địa phương không đạt tỷ lệ giải ngân nhất định trên chỉ tiêu được Trung ương giao, không hỗ trợ được doanh nghiệp nhỏ và vừa thì phải bồi hoàn lại cho Trung ương.

Cần tạo thêm kênh cung ứng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch điều hành kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã đưa ra những đề xuất liên quan đến vấn đề khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đắk Nông, tổng dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp đạt gần 7.446 tỷ đồng, tương đương 14,8% tổng dư nợ toàn tỉnh

Cần tạo thêm kênh cung ứng vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, ông Hùng đề xuất Chính phủ và các cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách thể chế, giảm chi phí thực thi của doanh nghiệp.

“Cần có cơ chế chính sách đẩy mạnh tăng cường thị trường vốn, giảm áp lực vào nguồn vốn ngân hàng. Đặc biệt, cần xem xét để Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa cho vay trực tiếp, tạo thêm kênh cung ứng vốn cho doanh nghiệp”, ông Hùng khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Hùng kiến nghị nhanh chóng nâng cấp Cổng thông tin quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp, tích hợp với Cổng thông tin doanh nghiệp nhỏ và vừa của ASEAN, các Bộ, ngành tạo cơ sở hình thành kho dữ liệu về doanh nghiệp, giúp các tổ chức tín dụng giảm thời gian thu thập thông tin và thẩm định cho vay.

Đồng thời trợ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị kinh doanh, xây dựng các dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng được thuận lợi.

Phó Chủ tịch điều hành Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng theo hướng đơn giản hoá thủ tục hành chính; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành nghề tiềm năng; tiếp tục triển khai các chương trình cho vay liên kết, chuỗi cung ứng.

Đối với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng cần thực hiện quyết liệt tái cơ cấu cả về chiến lược, cơ cấu tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần xây dựng phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào những lĩnh vực khai thác được lợi thế so sánh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng về tài sản, minh bạch tài chính và thông tin hoạt động làm cơ sở để các tổ chức tín dụng thẩm định cho vay.

Cùng với đó, chủ động tiếp cận thông tin về các gói tín dụng, quy định về vay vốn, tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.