![]() |
Vụ lừa đảo Mr. Pips chỉ là phần nổi của tảng băng mang tên "ảo tưởng làm giàu nhanh" – điều vẫn âm ỉ lan rộng trong môi trường học đường nói riêng và trên mạng xã hội nói chung.
![]() |
Hơn 5.300 tỷ đồng bị chiếm đoạt. Gần 3.000 nạn nhân. Hàng nghìn sinh viên trở thành trở thành người tiếp tay đắc lực. Đó là những con số rúng động từ vụ lừa đảo công nghệ cao mang tên Mr. Pips - do TikToker Phó Đức Nam điều hành thông qua các sàn đầu tư tài chính ảo. Điều đáng báo động không chỉ là quy mô vụ việc, mà là cách thức tinh vi nhắm thẳng vào tâm lý làm giàu nhanh của giới trẻ – những người vừa có niềm tin, vừa có hoài bão, nhưng lại thiếu kinh nghiệm và nền tảng tài chính.
Sự thiếu hiểu biết là nguy cơ lớn hơn cả việc mất tiền. Mọi người thường dễ tin tưởng thông tin tới từ bạn bè, người thân hay các hình ảnh hào nhoáng trên mạng xã hội, mà không kiểm tra độ xác thực, tính pháp lý. Với tâm lý muốn “kiếm thêm”, giới trẻ trở thành miếng mồi béo bở cho những mô hình hứa hẹn “lợi nhuận khủng, rủi ro bằng 0” khi bỏ qua bước căn bản nhất của đầu tư: hiểu rõ rủi ro đi kèm với lợi nhuận.
![]() |
Không chỉ là nạn nhân – nhiều sinh viên còn trở thành kẻ lừa đảo
Một điểm nguy hiểm trong vụ Mr. Pips là việc hàng nghìn sinh viên tham gia với vai trò “leader”, “mentor” hay “tư vấn đầu tư”. Họ được đào tạo bài bản cách chiêu dụ người khác, hướng dẫn cách nạp tiền, thao túng cảm xúc bằng các buổi “zoom chia sẻ thành công” hoặc “sự kiện vinh danh”.
Không phân biệt được “đầu tư hợp pháp” và “lừa đảo tài chính” - tình trạng đáng cảnh báo trong thời đại công nghệ số khi mọi chiếc bẫy đều có thể nằm gọn trong một chiếc smartphone. Nhiều sinh viên không nhận thức được rằng họ đang tiếp tay cho một hệ thống lừa đào, hoặc nếu biết thì vẫn chọn làm vì thu nhập dễ dàng. Có người còn bỏ học để “full-time đầu tư” vì “công việc này có tương lai hơn ngành học”.
Hơn 1.000 học sinh, sinh viên Việt Nam tham gia vào đường dây lừa đảo của Mr. Pips - số liệu đáng kinh ngạc được đưa ra bởi cơ quan công an.
![]() |
Mới đây, ngày 17/4, tại buổi tiếp xúc với cử tri, chia sẻ về công tác trấn áp tội phạm công nghệ cao, đặc biệt là tình trạng lừa đảo thông qua mạng xã hội và điện thoại, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết toàn bộ số người này “phải rơi vào vòng lao lý và phải xử lý nghiêm. Cơ quan công an đang mở rộng điều tra, tiếp tục làm rõ các đối tượng tương tự như thế này, biết là lừa đảo mà vẫn tham gia".
Điều này cho thấy lỗ hổng tài chính không chỉ nằm ở kiến thức, mà còn ở nhận thức đạo đức, pháp luật.
![]() |
Vụ lừa đảo Mr. Pips là biến thể tinh vi của mô hình Ponzi - cách thức hoạt động rất cũ, nhưng luôn hiệu quả. Lấy tiền của người sau trả cho người trước đã tồn tại hơn 100 năm, nhưng vẫn liên tục hồi sinh dưới những lớp vỏ bọc mới. Trong vụ Mr. Pips, hệ thống hoạt động qua các sàn giao dịch ảo như Itrade, Pocinex, SmartTrader… và được quảng bá như các nền tảng đầu tư tài chính quốc tế, ứng dụng công nghệ AI, hỗ trợ lợi nhuận ổn định.
Các “leader” được đào tạo bài bản cách xây dựng niềm tin, ban đầu để người chơi thắng nhỏ. Sau đó kích thích nhà đầu tư nạp tiền, sử dụng "đòn bẩy", vẽ ra kịch bản “tối ưu lợi nhuận”. Khi các khách hàng thật sự không còn khả năng về tài chính, các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển.
![]() |
Khác với mô hình Ponzi cổ điển như vụ Bernie Madoff (Mỹ) hay Skyway (Nga), Mr. Pips hoạt động chủ yếu trên mạng xã hội và nền tảng số - “mặt trận mới” của lừa đảo tài chính.
Trong môi trường đại học, nhiều sinh viên bắt đầu kiếm tiền từ sớm, tiếp cận thị trường tài chính qua mạng xã hội, bạn bè, hội nhóm đầu tư. Mr. Pips đã tận dụng triệt để TikTok, Facebook, Telegram thành công cụ lan truyền hình ảnh thành công, tuyển dụng chân rết. Khoác lên vỏ bọc “chuyên gia tài chính trẻ”, TikToker này tung ra hàng loạt video về xe sang, tài khoản lời triệu đồng mỗi ngày, chia sẻ "bí quyết thành công tài chính ở tuổi 20". Với một thế hệ lớn lên cùng mạng xã hội, điều đó tạo ảo giác rằng đầu tư là con đường ngắn nhất đến sự giàu có – và ai không theo kịp là kẻ tụt hậu.
Bên cạnh đó, hệ thống giao diện sàn được thiết kế công phu, có dashboard, ví tiền, biểu đồ tăng trưởng giả và lợi dụng sự bùng nổ của AI, thuật ngữ “tài chính 4.0”, “công nghệ blockchain” đã cộng hưởng giúp Mr Pips gây ảo tưởng chuyên nghiệp.
![]() |
Mr. Pips là một hồi chuông cảnh tỉnh – không chỉ với các cơ quan quản lý, mà với chính mỗi người trẻ. Trong thế giới mà chỉ cần một chiếc điện thoại là có thể đầu tư, giao dịch, rút tiền – sự thiếu hiểu biết tài chính không còn là điểm yếu, mà là hiểm họa.
Tài chính cá nhân là kỹ năng sống bị bỏ quên trong giảng đường giờ đây cần được nhìn nhận là kiến thức bắt buộc trong thời đại số. Trong khi các nước phát triển đã đưa giáo dục tài chính cá nhân vào chương trình học, thì tại Việt Nam, khái niệm này vẫn còn mơ hồ trong môi trường giáo dục phổ thông và đại học. Sinh viên có thể học rất giỏi chuyên môn – nhưng lại không biết xử lý một khoản vay tiêu dùng hay phân biệt giữa cổ phiếu và lừa đảo đa cấp.
Không thể đợi đến khi người trẻ ra trường mới dạy về tiền bạc. Các trường đại học, trung học nên đưa vào chương trình học những kỹ năng tài chính cơ bản. Đồng thời, cần tổ chức định kỳ các buổi tọa đàm, workshop thực tế, chia sẻ từ chuyên gia, để giúp sinh viên tự tin hơn trước các quyết định tài chính.
Muốn không còn những "Mr. Pips", nền giáo dục cần tạo ra một thế hệ có đủ hiểu biết để biết đặt câu hỏi, biết nghi ngờ, và biết nói “không” với những lời mời đầu tư siêu lợi nhuận nhưng đầy rủi ro. Luôn luôn xác minh pháp lý sàn giao dịch trên các trang chính thức như của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoặc Ngân hàng Nhà nước là điều tất yếu. Đồng thời, cần kiểm tra thông tin người quảng bá, tránh tin tưởng "người nổi tiếng" trên mạng xã hội.
![]() |
Tài chính cá nhân nên là kỹ năng sống bắt buộc, dạy song song với kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm. Càng được trang bị từ sớm, giới trẻ càng có khả năng nhận diện, phòng tránh và báo cáo kịp thời các mô hình đầu tư phi pháp. Nếu không, “Mr. Pips” sẽ chỉ là một trong rất nhiều cái tên tiếp theo.
Song song với việc trang bị kiến thức cho giới trẻ, các nội dung tài chính trên mạng xã hội cần được quản lý chặt chẽ. Các nền tảng như TikTok, Facebook, YouTube cần có thuật toán kiểm soát nội dung tài chính đặc biệt với nội dung cam kết lợi nhuận, tuyển dụng đầu tư, gắn nhãn “cảnh báo rủi ro”.
![]() |