Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/10/2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 25,76 tỉ đô la Mỹ, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là con số tăng khá đột biến, khi nhìn lại sáu tháng đầu năm nay chỉ tiêu thống kê này vẫn đang giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước, bảy tháng tăng trở lại 4,5%, tám tháng tăng 8,2%, còn chín tháng chỉ mới tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước khi đạt 20,2 tỉ đô la Mỹ.

Xu hướng tăng của dòng vốn đầu tư từ nước ngoài ngày càng mạnh mẽ hơn, dù thị trường ngoại hối liên tục chịu áp lực trong những tháng qua với rủi ro tỷ giá gia tăng.

Tỷ giá trung tâm USD/VND tính đến 2/11 đã leo lên mức 24.099, tăng 2% so với đầu năm nay, trong đó tính riêng khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến nay đã tăng đến 1,3%. Tương tự, trong mức tăng 4,2% giá niêm yết đô la Mỹ của Vietcombank so với đầu năm nay, chủ yếu tập trung trong bốn tháng trở lại đây với mức tăng 4,1%. Nếu theo dõi diễn biến trên thị trường tự do, giá đô la Mỹ so với đầu năm nay tăng 3,5%, nhưng nếu tính khoảng thời gian từ cuối tháng 6 đến nay thì ghi nhận mức tăng đến 4,1%.

Song, nhìn sang nhiều đồng tiền khác trong khu vực, sự mất giá của tiền đồng so với đô la Mỹ là chưa đáng kể. Cụ thể, nhân dân tệ của Trung Quốc đã rớt giá xấp xỉ 6% so với đô la Mỹ từ đầu năm đến nay, yên Nhật lao dốc gần 15%, ringgit Malaysia giảm 9%, won Hàn Quốc giảm gần 8%, bath Thái giảm gần 4,5%.

Điều này cho thấy rủi ro tỷ giá chưa phải là vấn đề quá lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi đó, năm nay, dù có thể chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5%, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới với mức tăng dự báo đạt khoảng 5%.

Điều quan trọng hơn là cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ của Việt Nam đều đang phối hợp theo hướng nới lỏng, các dự án đầu tư công đang được tập trung triển khai nhanh hơn, không chỉ để tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng mà còn nhằm mục tiêu kích thích tăng trưởng tích cực hơn trong giai đoạn tới, nên dòng vốn đầu tư nước ngoài có lẽ cũng muốn đón đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.

Chính vì vậy, không chỉ tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tăng mà vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện cũng duy trì xu hướng tăng ổn định trong suốt những tháng qua. Tính chung mười tháng đầu năm nay, lượng vốn FDI giải ngân ước đạt 18 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 10 tháng trong năm năm qua.