Bức tranh kinh doanh của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2025 đang dần hiện rõ gam màu tích cực, với tâm điểm là nhóm Big5.

Trong đó, Vietcombank và VietinBank đã công bố kết quả sơ bộ, trong khi MB và BIDV được các công ty chứng khoán dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng nổi bật, cho thấy đà hồi phục rõ nét sau giai đoạn trầm lắng kéo dài từ năm 2023.

VietinBank: Tín dụng khởi sắc, lợi nhuận trước trích lập tiếp tục tăng

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung – Tổng Giám đốc VietinBank – cho biết dư nợ tín dụng của ngân hàng ước tăng khoảng 10% so với cuối năm 2024, trong khi huy động vốn tăng hơn 9%. Dù chưa công bố con số lợi nhuận cụ thể, VietinBank khẳng định lợi nhuận trước trích lập dự phòng tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước.

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán như VCBS và MBS, lợi nhuận quý II của VietinBank có thể tăng từ 16% đến 33%. Động lực tăng trưởng đến từ biên lãi ròng (NIM) phục hồi khi chi phí vốn đầu vào hạ nhiệt, cùng với việc hoàn nhập một phần trích lập dự phòng sau khi nhiều khoản nợ cơ cấu kết thúc giai đoạn thử thách.

Vietcombank: Vững vàng trong kiểm soát rủi ro

Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngày 27/6, Vietcombank đã công bố một số chỉ tiêu tài chính đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm, cho thấy đà tăng trưởng tích cực và khả năng kiểm soát rủi ro vượt trội.

Tổng tài sản của ngân hàng ước đạt hơn 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2024; dư nợ tín dụng tăng trên 5%, với cơ cấu cho vay tiếp tục dịch chuyển theo hướng an toàn, bền vững.

Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1% – thấp nhất trong nhóm ngân hàng lớn, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt khoảng 219%, cao nhất hệ thống. Hoạt động thu hồi nợ ngoại bảng đạt gần 1.900 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ, góp phần củng cố nền tảng tài chính.

Tỷ lệ chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) được giữ ở mức thấp và tiếp tục có xu hướng giảm, phản ánh nỗ lực tối ưu hóa hiệu quả vận hành toàn hệ thống.

Big5 ngân hàng hé lộ kết quả kinh doanh, MB được dự báo tăng trưởng 23%
Ông Nguyễn Thanh Tùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Vietcombank phát biểu khai mạc Hội nghị sơ kết hoạt động diễn ra vào ngày 27/6. (Ảnh: Vietcombank)

MB: Dẫn đầu tốc độ tăng trưởng tín dụng

Mặc dù chưa công bố báo cáo tài chính chính thức, MB đang được các công ty chứng khoán như VCBS dự báo là ngân hàng có hiệu suất tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong nhóm Big5.

Cụ thể, lợi nhuận quý II/2025 của MB được VCBS dự báo tăng 23% so với cùng kỳ, thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao nhất trong khối ngân hàng niêm yết.

Tín dụng được ước tính tăng gần 28% – nằm trong nhóm tăng mạnh nhất toàn ngành. Cùng với đó, biên lãi ròng cải thiện, thu nhập từ phí dịch vụ giữ ở mức tích cực và tỷ lệ nợ xấu duy trì thấp.

Với cấu trúc khách hàng tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cùng chiến lược số hóa mạnh mẽ, MB đang được thị trường kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt trong cả năm 2025.

BIDV: Tăng vốn điều lệ, hướng đến tăng trưởng ổn định

Tương tự MB, BIDV chưa công bố kết quả kinh doanh cụ thể nửa đầu năm, nhưng theo VCBS, ngân hàng này được dự báo ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận quý II khoảng 12%, và cả năm đạt mức 14%.

NIM của BIDV được duy trì ổn định quanh mức 2,4%, trong khi chất lượng tài sản thuộc nhóm tốt trong hệ thống. Đáng chú ý, BIDV đang thực hiện kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm hơn 21.000 tỷ đồng, thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và bổ sung từ quỹ dự trữ tài chính.

Đây sẽ là nền tảng quan trọng để BIDV tăng cường năng lực tài chính và nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Tín dụng lan tỏa, lợi nhuận toàn ngành bứt tốc

Theo VCBS, đến giữa tháng 6/2025, tín dụng toàn hệ thống đã tăng 6,99% so với đầu năm, gần gấp đôi cùng kỳ 2024. Nhu cầu vốn phục hồi ở nhóm doanh nghiệp và người tiêu dùng – đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng, thương mại – là động lực chính cho sự tăng tốc này.

Trong bối cảnh đó, lợi nhuận trước thuế quý II của nhóm ngân hàng niêm yết được dự báo tăng mạnh. Nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số như Sacombank, HDBank (+25%), MB (+23%), VIB (+17%) và VPBank (+12%). Các ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV và Techcombank cũng được dự báo có mức tăng ổn định từ 8–16%.

Dữ liệu từ MBS cho thấy lợi nhuận sau thuế toàn ngành quý II/2025 có thể tăng 14,7% so với cùng kỳ, nổi bật trong đó có VPBank (+39%), Eximbank (+34%) và HDBank (+26%).

VCBS và MBS cùng nhận định rằng, nửa cuối năm 2025 sẽ tiếp tục là giai đoạn thuận lợi cho ngành ngân hàng nếu các chính sách mới sớm được thông qua. Đặc biệt là Nghị định 69/2025/NĐ-CP về nâng room ngoại lên 49% đối với ngân hàng chuyển giao bắt buộc, và dự thảo luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.

Những ngân hàng có chiến lược rõ ràng, gắn chặt với phân khúc mục tiêu – như HDBank với SME hay VPBank với khách hàng thương mại – đang sở hữu lợi thế cạnh tranh bền vững trong môi trường đang dần hồi phục. Đây không chỉ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận, mà còn tạo động lực tích cực cho nhóm cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm.