![]() |
Ông Trần Đình Long và ông Nguyễn Văn Thiện – hai doanh nhân đứng đầu hai tập đoàn thép lớn tại Việt Nam |
“Đổi tên” – bề nổi của chiến lược đổi chủ?
Ngày 27/6, CTCP Chứng khoán Sen Vàng (GLS) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên tại Hà Nội với sự tham gia của 4 cổ đông lớn, đại diện cho 75,05% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Cơ cấu cổ đông hiện tại cho thấy sự tập trung cao độ: Công ty TNHH TM Nông nghiệp Khang An (20%), thành viên HĐQT Thái Kiều Hương (15,13%), Chủ tịch Lê Huy Dũng (20,03%) và Tổng Giám đốc Hồ Ngọc Bạch (19,88%).
Tâm điểm đại hội là nội dung đổi tên doanh nghiệp – từ Chứng khoán Sen Vàng thành Chứng khoán Xuân Thiện (XTSC). HĐQT được ủy quyền toàn phần về thời điểm thực hiện và các thủ tục pháp lý liên quan.
Theo giới quan sát, động thái đổi tên phản ánh định hướng tái cấu trúc thương hiệu gắn chặt với hệ sinh thái Tập đoàn Xuân Thiện – một tập đoàn đa ngành đang mở rộng nhanh chóng ở cả lĩnh vực công nghiệp nặng lẫn tài chính. GLS hiện có sự góp mặt của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Dịch vụ An An Khang, một mắt xích trong mạng lưới doanh nghiệp của Xuân Thiện. Đặc biệt, ông Nguyễn Đức Duy – thành viên mới được bầu vào Ban kiểm soát GLS – hiện cũng là thành viên Ban chiến lược của Tập đoàn Xuân Thiện.
Ông Duy sinh năm 1984, cử nhân kế toán, từng giữ các vị trí quan trọng tại Ngân hàng Kiên Long suốt nhiều năm, trong đó có vai trò Trưởng phòng Kiểm toán nội bộ. Việc nhân sự cấp cao từ Xuân Thiện tham gia quản trị GLS cho thấy những bước cài cắm chiến lược của tập đoàn này vào thị trường chứng khoán.
Xuân Thiện - Đối thủ tiềm năng của Hòa Phát ở mảng thép?
Được thành lập từ năm 2000 tại Ninh Bình, Tập đoàn Xuân Thiện từng là một doanh nghiệp gia đình quy mô vừa. Tuy nhiên, từ năm 2022, doanh nghiệp chính thức chuyển đổi thành mô hình tập đoàn với chiến lược mở rộng lĩnh vực sản xuất công nghiệp, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng và nông nghiệp.
![]() |
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và các đại biểu ấn nút khởi công Tổ hợp dự án Nhà máy Thép Xanh Xuân Thiện Nam Định (Nguồn ảnh: Laodong.vn) |
Đáng chú ý nhất gần đây là tham vọng công nghiệp hóa ngành thép với loạt dự án quy mô lớn tại Nam Định (cũ) – quê nhà của tập đoàn. Theo công bố, Xuân Thiện đã được phê duyệt đầu tư hai dự án nhà máy thép với tổng vốn lên tới 100.000 tỷ đồng, trên quỹ đất hơn 369ha, kỳ vọng tạo việc làm cho hơn 16.000 lao động trực tiếp.
Ngoài ra, tập đoàn còn sở hữu nhiều dự án năng lượng như: Thủy điện Suối Sập 1, Sông Lô 3–6 tại Hà Giang, điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc, với tổng công suất hàng trăm MW.
Ông Nguyễn Văn Thiện – Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thiện – là anh trai của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), hiện giữ chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Lộc Phát (LPBank). Ông Thiện, còn được biết đến với biệt danh “bầu Thiện”, là chủ sở hữu CLB Thép Xanh Nam Định – đội bóng vừa giành cú đúp vô địch V.League hai mùa liên tiếp (2023–2024 và 2024–2025).
Sự hiện diện tại GLS là tín hiệu cho thấy Xuân Thiện đang mở rộng tầm ảnh hưởng sang lĩnh vực tài chính, tương tự cách Hòa Phát từng đầu tư vào ngân hàng, bảo hiểm. Dù GLS hiện còn lỗ lũy kế gần 67 tỷ đồng và chưa chi trả thù lao cho HĐQT–BKS do thua lỗ, sự “đỡ đầu” từ một tập đoàn lớn có thể mở ra cơ hội tái cấu trúc mạnh mẽ. Không chỉ là câu chuyện về đổi tên, tái cấu trúc và nhân sự, việc gắn thương hiệu Xuân Thiện vào một công ty chứng khoán còn cho thấy quyết tâm “ghi danh” trên bản đồ tài chính Việt Nam – nơi mà các tập đoàn đa ngành ngày càng khẳng định vai trò trong thị trường vốn. |