Ngày 26/6, Bộ Tài chính đã có báo cáo Kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023.

Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với UBND các địa phương kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Bên cạnh đó, xem xét việc mở tài khoản, mở sổ sách ghi chép số thu, chi tiền công đức, tài trợ, nội dung sử dụng tiền công đức, tài trợ và giám sát việc tiếp nhận, kiểm đếm, sử dụng tiền công đức, tài trợ tại các di tích.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cho biết, việc công đức, tài trợ theo hình thức chuyển khoản quét mã QR đang phát triển nhanh, được nhiều người lựa chọn như một thói quen khi đến di tích như: Đền Voi Phục và Đền Quán Thánh ở quận Ba Đình, Hà Nội; Đền Cửa Ông ở Quảng Ninh; Đền Hùng ở Phú Thọ; Đền Bảo Hà ở Lào Cai; Đền Chợ Củi ở Hà Tĩnh…

Từ năm 2021, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thí điểm “cúng dường” qua ví điện tử tại một số chùa ở Hà Nội, Lào Cai, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, TP. HCM, Đồng Nai và Cần Thơ, được các chùa ủng hộ và đông đảo tín đồ đón nhận.

Trước đó, sáng ngày 3/6, tại Chùa Đại Thành, tỉnh Bắc Ninh, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an đã phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giới thiệu và đào tạo quản lý, vận hành phần mềm quản lý tăng ni, Phật tử.

Đại tá Vũ Văn Tấn thông tin, hệ thống quản lý tăng ni, Phật tử gồm có 3 phân hệ: Ứng dụng di động cho Phật tử; Phần mềm Quản lý tăng ni và Phần mềm quản lý hành chính của Giáo hội Phật giáo.

Đặc biệt, ở phân hệ ứng dụng di động cho Phật tử, Bộ Công an sẽ triển khai tính năng “Cúng dường trực tuyến” nhằm tạo điều kiện cho Phật tử cúng dường trực tuyến tới tất cả các chùa trên toàn quốc. Tính năng này dự kiến triển khai ở giai đoạn 2, sau khi thu thập đủ danh mục các chùa trên toàn quốc.