Thảm kịch kinh hoàng: Hai máy bay “tông thẳng" vào nhau

Vào một buổi tối tháng 11 năm 1996, ngay khi vừa cất cánh, máy bay của Saudi Arabian Airlines đã va chạm với máy bay của Kazakhstan Airlines khiến toàn bộ 349 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

Boeing 747 tông thẳng vào máy bay Liên Xô chế tạo rồi vỡ nát giữa không trung, 349 người thiệt mạng: Thảm kịch hàng không kinh hoàng nhất lịch sử
Máy bay của Saudi Arabian Airlines đã va chạm với máy bay của Kazakhstan Airlines khiến toàn bộ 349 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng

Được biết, chiếc máy bay Boeing 747 của Saudi Arabian Airlines đã chở 312 hành khách và phi hành đoàn tới thành phố Dahran và Jidda, khởi hành vào lúc 6 giờ 33 tối (theo giờ địa phương). Chỉ 7 phút sau khi cất cánh từ sân bay New Delhi, nó đã tông thẳng vào máy bay Ilyushin 76 của Kazakhstan Airlines chở theo hàng hóa và 39 người từ thành phố Shymkent.

Liệt kê danh sách hành khách, Hãng thông tấn Press Trust của Ấn Độ cho biết đa số nạn nhân trên máy bay Boeing 747 là người Ấn Độ, ngoài ra còn có 17 hành khách là người ngoại quốc. Máy bay Ilyushin khởi hành từ phía Nam thành phố Shymkent gồm hầu hết nạn nhân là người Krygyzstan.

Một người đã mô tả thảm kịch này rằng: “Chúng tôi nhìn thấy ánh sáng màu cam bên trong đám mây. Sau đó, hai quả cầu lửa khổng lồ xuất hiện, tạo ra tiếng nổ lớn và chỉ trong vài phút chúng đã rơi xuống mặt đất”. Sau khi đâm sầm vào chiếc Ilyushin, Boeing 747 đã vỡ tung ngay trên không trung, sau đó lao thẳng với tốc độ cao.

Boeing 747 tông thẳng vào máy bay Liên Xô chế tạo rồi vỡ nát giữa không trung, 349 người thiệt mạng: Thảm kịch hàng không kinh hoàng nhất lịch sử
Chiếc Boeing 747 đã vỡ tung ngay trên không trung, sau đó lao thẳng với tốc độ cao. Ảnh minh họa

Theo trang web Airlive.net, lực lượng cứu hộ đã phát hiện 4 hành khách bị thương nặng trên máy bay Ilyushin nhưng tất cả đều tử vong ngay sau đó. Hai hành khách trên chiếc Boeing cũng sống sót sau vụ tai nạn nhưng thời gian sau đã không qua khỏi.

Nguyên nhân gây ra vụ va chạm kinh hoàng

Được biết, một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn là do tất cả lượt hạ cánh và cất cánh đều diễn ra trên cùng một đường bay, theo quan chức hàng không Ấn Độ và quốc tế. Ở thời điểm đó, phi công Ấn Độ và kiểm soát viên không lưu đã nhiều lần phản ánh về mức độ nguy hiểm của việc máy bay chiều đi và chiều đến bay ngược chiều nhau trên cùng một đường bay. Dẫu khoảng cách an toàn giữa hai máy bay là 300m theo tiêu chuẩn quốc tế nhưng để đưa mức an toàn lên cao nhất, sân bay buộc phải có đường bay riêng cho các máy bay.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến máy bay tông thẳng giữa trời là do trạm kiểm soát không lưu tại sân bay quốc tế Indira Gandhi ở New Delhi có thể đã xác định sai độ cao của một trong hai máy bay và phi công hiểu lầm hướng dẫn của nhân viên kiểm soát không lưu.

Được biết, kiểm soát viên không lưu nói rằng thời điểm trước khi xảy ra tai nạn, chiếc Boeing 747 của Saudi Arabian Airlines và chiếc Ilyushin 76 của Kazakhstan đều đang nằm “trong tầm kiểm soát”. Theo hướng dẫn, Boeing 747 sẽ bay lên độ cao hơn 4.200m, còn máy bay của Kazakhstan sẽ hạ xuống độ cao hơn 4.500m. Tuy nhiên vào lúc 6 giờ 40 tối, cả hai máy bay cùng biến mất trên màn hình radar.

Boeing 747 tông thẳng vào máy bay Liên Xô chế tạo rồi vỡ nát giữa không trung, 349 người thiệt mạng: Thảm kịch hàng không kinh hoàng nhất lịch sử
Vào lúc 6 giờ 40 tối, cả hai máy bay cùng biến mất trên màn hình radar. Ảnh minh họa

Thiết bị radar ở sân bay New Delhi được chuyên gia hàng không thế giới đánh giá là đã cũ và lỗi thời. Vì vậy, nhân viên kiểm soát không lưu có thể sẽ không nhận được thông tin về độ cao, hướng đi và vận tốc của một trong hai máy bay một cách kịp thời.

Điều cần lưu ý, ông Eric Moody - cựu Cơ trưởng máy bay Boeing 747 hãng hàng không Anh chỉ ra rằng máy bay Ilyushin 76 do Liên Xô chế tạo có máy đo độ cao bằng mét, chứ không phải bằng feet. Do đó, phi công phải đổi độ cao mà trạm không lưu gửi đến từ đơn vị feet ra đơn vị mét. Nếu phi công đổi nhầm sẽ gây ra hậu quả và quả thực nó đã xảy ra.

Hơn nữa, sau khi kết thúc điều tra, do khác biệt về ngôn ngữ, phi công Kazak đã hiểu sai thông tin bằng tiếng Anh, dẫn đến làm sai hướng dẫn của trạm kiểm soát không lưu. Sau vụ va chạm thảm khốc giữa không trung này, Tổng cục Hàng không Dân dụng Ấn Độ đã yêu cầu tất cả máy bay bay vào và ra khỏi Ấn Độ phải trang bị hệ thống tránh va chạm trên không.