![]() |
Ảnh minh họa |
Động thái "đi tiền lớn" của Chứng khoán HSC không chỉ là thương vụ đầu tư thu nhập cố định thông thường, mà còn hé lộ một chiến lược quản lý vốn thận trọng, có tính phòng thủ cao trong giai đoạn thị trường chứng khoán bước vào vùng nhạy cảm.
Vì sao là trái phiếu ngân hàng – và vì sao là VietinBank?
Trái phiếu mã CTG2432T2/02 dự kiến được phát hành trong nửa đầu tháng 4/2025, kỳ hạn 8 năm và Vietinbank có quyền mua lại sau 3 năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, đủ điều kiện tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng. Lãi suất thả nổi, điều chỉnh 6 tháng/lần, được tính bằng lãi suất bình quân tiền gửi 12 tháng của nhóm "Big 4" ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) cộng thêm biên độ 1,05%.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất có nhiều biến động và VN-Index giằng co quanh mốc 1.330 điểm, lựa chọn trái phiếu ngân hàng – đặc biệt là của một ngân hàng Nhà nước có tín nhiệm cao như Vietinbank – mang lại cho HSC hai lợi ích: Ổn định dòng tiền và đảm bảo an toàn vốn.
Ước tính với lãi suất khoảng 6–7,5%/năm, khoản đầu tư này có thể đem lại cho HSC từ 120–150 tỷ đồng lợi nhuận đều đặn mỗi năm – tương đương khoảng 10–15% lợi nhuận sau thuế năm 2024.
![]() |
Nguồn: BCTC quý IV/2024 của HSC |
Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của HSC đạt hơn 31.000 tỷ đồng. Trong đó, danh mục tự doanh (FVTPL) ở mức 7.931 tỷ đồng, chiếm 25% tổng tài sản và đã tăng gấp hơn 3 lần so với đầu năm. Riêng giá trị trái phiếu ngân hàng đăng ký trên sàn HNX mà HSC nắm giữ đã vượt 5.145 tỷ đồng, gồm BIDV, MB, VietinBank…
Tự doanh mang tính phòng thủ nhưng không 'co mình'
Đáng chú ý, dù khoản đầu tư vào danh mục tự doanh tăng mạnh, HSC vẫn ưu tiên trái phiếu hơn cổ phiếu. Danh mục cổ phiếu tự doanh tại thời điểm cuối năm chỉ khoảng 2.229 tỷ đồng, tương đương 7% tổng tài sản. Trong số này, phần lớn là cổ phiếu thuộc nhóm VN30, ngoại trừ sự xuất hiện của cổ phiếu Cao su Đồng Phú (Mã DPR). Chiến lược này cho thấy định hướng rõ ràng của HSC: Giữ khẩu vị rủi ro ở mức thấp, tránh biến động lớn khi thị trường chứng khoán không thuận lợi.
Một điểm quan trọng khác là HSC đang mở rộng mạnh hoạt động cho vay margin. Đến cuối quý IV/2024, giá trị cho vay và phải thu lên đến 20.400 tỷ đồng – tăng 8.300 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm hơn 65% tổng tài sản.
Suốt nhiều năm, cho vay margin chính là trụ cột lợi nhuận chính của các công ty chứng khoán lớn. Tuy nhiên, việc HSC không “tăng tốc” mạnh tự doanh cổ phiếu mà dàn trải dòng tiền vào trái phiếu ngân hàng cho thấy họ muốn duy trì sự ổn định lợi nhuận tổng thể, phòng khi thị trường chứng khoán gặp biến động mạnh.
![]() |
Thuyết minh doanh mục tự doanh của HSC đến cuối quý IV/2024 |
Động thái đầu tư trái phiếu Vietinbank là một “nước đi phòng thủ” đúng thời điểm – khi cả lãi suất và thị trường cổ phiếu đều không chắc chắn. Tuy nhiên, điều này không mang nghĩa thụ động. Ngược lại, HSC đang tận dụng sức mạnh bảng cân đối tài chính, phân bổ hợp lý giữa cho vay – trái phiếu – cổ phiếu để đảm bảo vừa tăng trưởng, vừa kiểm soát rủi ro.
Với cổ đông dài hạn, đây là tín hiệu cho thấy công ty đang quản trị vốn một cách bài bản, không lao theo xu hướng ngắn hạn, mà đặt ưu tiên vào dòng tiền ổn định, bảo toàn tài sản và chủ động trước biến động vĩ mô.