Kết thúc quý 2/2023, VN-Index tăng hơn 5% lên mức 1.120 điểm với thanh khoản cải thiện đáng kể. Sau 6 tháng, chỉ số tăng hơn 11%. Dòng tiền không giao dịch cố định mà thay phiên đồn trú ở các nhóm cổ phiếu như chứng khoán, dầu khí, than, thép, đầu tư công, mía đường, thủy sản,... đã giúp hàng loạt cổ phiếu hồi phục mạnh.

Dù không tăng bằng lần như nhóm cổ phiếu penny song mức tăng vài chục % ở không ít cổ phiếu trụ cột cũng đã giúp hầu hết tổ chức lớn trên thị trường ghi nhận hiệu suất hoạt động khả quan so với năm trước đó.

Sau nửa đầu năm, SSIAM VNFinlead ETF ghi nhận hiệu suất đầu tư dương 23,6% - gấp đôi mức tăng của VN-Index. Quỹ ETF này sử dụng chỉ số tham chiếu là VNFinLead Index - nơi có đến 90% là cổ phiếu ngân hàng.

Trong cùng thời điểm, Fubon ETF hay VNM ETF lần lượt đạt hiệu suất tăng 18,45% và 13,28%. VNM ETF hút ròng 76,26 triệu USD (~1.800 tỷ đồng) trong khi Fubon ETF cũng mua ròng 56,2 triệu USD (~1.300 tỷ đồng).

Nhiều quỹ đầu tư như DCDS, DCVFM VN30 ETF hay VNMidcap ETF cũng tăng trưởng tốt hơn mức tăng của 2 chỉ số VN-Index và VN30-Index. Ngược lại, VEIL, DCVFM VNDiamond ETF, VOF VinaCapital hay Pyn Elite Fund (cá mập từng dự báo VN-Index cán mốc 2.500 điểm vào năm 2024) đều ghi nhận hiệu suất thấp (dưới 9% sau 6 tháng).

Trong khi đó, Ballad Fund - quỹ đầu tư thuộc SGI Capital chỉ đạt hiệu suất đầu tư xấp xỉ 6%. Sau giai đoạn gần như không giao dịch, quỹ này bất ngờ mua mạnh cổ phiếu trong tháng 6; tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục từ mức dưới 23% (cuối tháng 5) lên xấp xỉ 90% - cao nhất trong hơn 1 năm trở.

Số mã trong danh mục của Ballad Fund tăng từ 7 lên 19 cổ phiếu. Các cổ phiếu được mua mới có CTG, TCB, MBB, VIB, BMP, VNM, PNJ, SSI, VCI,… một số mã được tăng mua như ACB, QTP.

Đến cuối tháng 6, lượng tiền mặt tại quỹ chỉ còn hơn 10 tỷ đồng.