Theo Khmer Times, Campuchia vừa chính thức được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) cấp phép xuất khẩu sầu riêng tươi trực tiếp vào thị trường đông dân nhất thế giới. Đây là kết quả của quá trình đàm phán và thẩm định nghiêm ngặt, đánh dấu bước tiến quan trọng trong hợp tác kinh tế nông nghiệp giữa hai nước.

Thông tin được Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia (MAFF) công bố ngày 4/7.

Theo đó, phía Trung Quốc đã hoàn tất đánh giá và phê duyệt 112 trang trại cùng 30 cơ sở đóng gói sầu riêng tại Campuchia, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn Thực hành Nông nghiệp Tốt (GAP), quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm theo yêu cầu của Bắc Kinh.

Sầu riêng trở thành mặt hàng nông sản thứ 9 của Campuchia được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, bên cạnh gạo, trấu, sắn khô, ngô, chuối, xoài, nhãn, hạt tiêu và dừa.

MAFF yêu cầu các đơn vị được cấp phép nghiêm túc tuân thủ quy trình an toàn sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu độc hại hay các hóa chất bị cấm. Những trang trại và nhà đóng gói chưa đạt chứng nhận được khuyến khích sớm đăng ký với Tổng cục Nông nghiệp để tham gia các vòng thẩm định tiếp theo.

Campuchia vừa được ‘mở cửa’ xuất mặt hàng này vào ‘quốc gia tỷ dân'
Sầu riêng Campuchia được xuất khẩu sang thị trường "tỷ dân" Trung Quốc. Ảnh: Tổng hợp

Chia sẻ với báo chí, ông Khim Bunlene – Chủ tịch Cộng đồng nông trại King Durian Farm tại Kampot – nhận định đây là cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Campuchia, song cũng là thách thức không nhỏ.

Ông nhấn mạnh, nông dân cần chú trọng hơn đến chất lượng, tính an toàn và kiểm soát tốt giá thành. Nếu giá quá cao trong khi chất lượng chưa ổn định, sản phẩm rất khó cạnh tranh.

Ông cũng cảnh báo, nhiều hộ trồng sầu riêng vẫn chưa nắm rõ cơ cấu chi phí, điều hành trang trại theo cảm tính, thiếu chiến lược kinh doanh cụ thể. “Muốn trụ vững trên thị trường quốc tế, nông dân cần tư duy như những doanh nghiệp nông nghiệp thực thụ”, ông nói thêm.

Theo MAFF, hiện có 9 tỉnh tại Campuchia được đánh giá có tiềm năng cao trong trồng sầu riêng, gồm: Kampot, Kampong Cham, Tbong Khmum, Ratanakiri, Mondulkiri, Battambang, Pursat, Koh Kong và Kampong Thom.

Đáng chú ý, tiến trình mở cửa thị trường sầu riêng được thúc đẩy sau chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Campuchia vào tháng 4. Hai bên khi đó đã ký nghị định thư về xuất khẩu tổ yến, cá sấu và sầu riêng từ Campuchia sang Trung Quốc.

Ngay sau đó, vào tháng 5, hai doanh nghiệp Trung Quốc – Công ty TNHH Thực phẩm Xiyaya Quảng Tây và Công ty TNHH Trái cây Châu Á Lumisun – đã ký kết thỏa thuận thu mua 15.000 tấn sầu riêng và 20.000 tấn xoài khô từ Campuchia trong giai đoạn 2025–2027. Lễ ký kết diễn ra tại thành phố Bắc Hải (Quảng Tây), với sự chứng kiến của đại diện cấp cao hai nước, cho thấy quyết tâm thúc đẩy hợp tác nông sản song phương.

Với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, hệ thống kiểm định ngày càng hoàn thiện cùng tiềm năng sản xuất lớn, Campuchia kỳ vọng sầu riêng nội địa sẽ sớm chiếm lĩnh thị phần đáng kể tại thị trường Trung Quốc – nơi nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới đang tăng mạnh.