Ngày 8/7, đoàn công tác của Công ty TNHH Dầu mỏ Somvanchaleun (Lào) đã đến thăm và làm việc với CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) tại Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất, nhằm trao đổi về khả năng hợp tác trong vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm của nhà máy tại thị trường Lào.

Tại buổi tiếp, ông Bùi Ngọc Dương – Chủ tịch HĐQT BSR – bày tỏ sự vinh dự khi đón tiếp đoàn công tác đến từ Lào, đồng thời cho rằng việc hợp tác giữa hai bên sẽ mở ra nhiều cơ hội để đảm bảo nguồn cung nhiên liệu cho thị trường Lào, đồng thời góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ của BSR.

Ông Dương cũng khẳng định, BSR sẵn sàng nghiên cứu, xây dựng các giải pháp tối ưu để bảo đảm việc cung ứng xăng dầu sang Lào được triển khai an toàn, hiệu quả và ổn định.

Đoàn công tác của Lào đến thăm nhà máy lọc dầu 3 tỷ USD tại Việt Nam, bàn về đầu ra cho sản phẩm
Toàn cảnh buổi làm việc giữa hai đơn vị. Nguồn: PVN

Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các vấn đề như khả năng hợp tác trong việc tiêu thụ các sản phẩm do NMLD Dung Quất sản xuất; chất lượng sản phẩm và các thủ tục để phía Somvanchaleun có thể nhận hàng bằng đường bộ tại NMLD Dung Quất, cùng một số vấn đề liên quan.

Về phía Somvanchaleun, đại diện công ty bày tỏ mong muốn BSR tiếp tục hỗ trợ và phối hợp trong việc vận chuyển các mặt hàng khác ngoài xăng dầu truyền thống, như nhiên liệu bay Jet A1 và khí hóa lỏng LPG để xuất khẩu sang Lào. Điều này không chỉ giúp BSR mở rộng thị phần mà còn góp phần bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định cho nước bạn.

Quan hệ hợp tác giữa BSR và Somvanchaleun không chỉ là cơ hội đưa các sản phẩm xăng dầu, LPG và hóa dầu chất lượng cao của Việt Nam vào thị trường Lào, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác song phương. Đây là bước đi thiết thực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho Lào, đồng thời khẳng định vị thế và năng lực của BSR tại thị trường khu vực.

Về Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đây là công trình được xây dựng với tổng vốn đầu tư hơn 3 tỷ USD, có tên dự án là “Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất”, do Tập đoàn Công nghiệp – Năng lượng Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) – làm chủ đầu tư.

PetroVietnam đã ký hợp đồng xây dựng chính của dự án với tổ hợp nhà thầu Technip, gồm các thành viên: Technip (Pháp), Technip (Malaysia), JGC (Nhật Bản) và Tecnicas Reunidas (Tây Ban Nha). Đây được đánh giá là công trình quy mô lớn bậc nhất cả nước, với khối lượng thi công khổng lồ, được ví như một công trình của thế kỷ.