Theo văn bản mới nhất từ SGDCK Hà Nội, hệ thống KRX đang gấp rút chuẩn bị các khâu cuối cùng để chính thức vận hành vào ngày 2/5/2024. Động thái từ phía UBCK trùng khớp với một số thông tin được lan truyền trên các trang mạng và hội nhóm trước đó.

Thông tin xuất hiện ngay khi kết thúc tuần điều chỉnh mạnh nhất của thị trường chứng khoán trong nhiều năm qua (VN-Index giảm hơn 100 điểm) được kỳ vọng là “liều thuốc bổ trợ” cho tuần giao dịch cuối trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Bên cạnh các tác động tích cực như giải quyết vấn đề nghẽn lệnh, giảm thời gian thanh toán, các sản phẩm mới áp dụng cũng là điều các nhà đầu tư quan tâm. Việc đa dạng sản phẩm tài chính trên TTCK là điều kiện cần để phát triển hệ thống, đồng thời đưa chứng khoán Việt Nam đến gần hơn với mục tiêu nâng hạng thị trường.

Dưới đây là hai sản phẩm kỳ vọng sẽ áp dụng trên TTCK Việt Nam trong tương lai khi hệ thống KRX go-live:

Bán khống

Bán khống (short sale hay short selling) là một nghiệp vụ kinh doanh khá phổ biến trên TTCK các nước phát triển. Tại nhiều quốc gia, bán khống là một yêu cầu cần thiết để hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện phòng ngừa rủi ro trên thị trường cơ sở (đặc biệt là thị trường cổ phiếu) khi giá chứng khoán đi xuống mà chưa cần dùng đến các công cụ phái sinh để hỗ trợ.

Cập nhật: Đâu sẽ là sản phẩm đầu tiên được áp dụng khi KRX go-live đầu tháng 5?
Sơ đồ mô tả nguyên lý bán khống

Thực tế, khi thị trường biến động giảm quá mạnh, nhiều thị trường thay vì cho phép bán khống để phòng ngừa rủi ro lại thực hiện các biện pháp hạn chế bán khống hoặc cấm bán khống để ngăn đà suy giảm của thị trường do những lo ngại việc nhà đầu tư lợi dụng công cụ bán khống để trục lợi, thực hiện bán khống quá mức khiến thị trường giảm mạnh hơn. Do đó, sử dụng công cụ bán khống như thế nào cho hiệu quả cần được nghiên cứu và học hỏi từ kinh nghiệm quốc tế.

Giao dịch bán khống được cho phép khá sớm tại Hàn Quốc (năm 1969). Tuy nhiên phải đến năm 1996, các nhà đầu tư nước ngoài mới được thực hiện hoạt động này. Trong quá trình phát triển, TTCK Hàn Quốc đã một vài lần phải tạm dừng cho phép bán khống để ngăn chặn tình trạng bán tháo cổ phiếu như giai đoạn năm 2011, giai đoạn COVID-19 năm 2020 và gần đây nhất Hàn Quốc tạm thời cấm bán khống cổ phiếu từ tháng 11/2023 đến hết tháng 6/2024 để ngăn chặn hoạt động bán khống bất hợp pháp.

Với Việt Nam, việc xem xét cho phép bán khống là cần thiết tuy song cần xem xét thận trọng bởi nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam đa phần là nhà đầu tư nhỏ lẻ (chiếm hơn 90% số tài khoản), hiểu biết đối với các nghiệp vụ kinh doanh phức tạp còn hạn chế nên dễ thua thiệt và “tổn thương” sau những đổ vỡ thị trường.

Quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITs)

Quỹ tín thác bất động sản hay còn goi là REITs (Real estate investment trust) là hình thức góp vốn cho một hay nhiều dự án bất động sản từ những cá nhân, tổ chức khác, thông qua việc phát hành các chứng từ có giá như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ.

Cập nhật: Đâu sẽ là sản phẩm đầu tiên được áp dụng khi KRX go-live đầu tháng 5?
Quá trình tạo ra lợi nhuận của REITs

Mặc dù REITs có lợi ích rất lớn đối với nền kinh tế quốc dân nhưng sự hiện diện và hoạt động của các quỹ tín thác bất động sản ở Việt Nam hiện nay còn khiêm tốn. Quỹ tín thác đầu tư bất động sản đầu tiên và duy nhất hiện nay có thể kể đến là Techcom Vietnam REIT Fund (TCREIT) được quản lý bởi Công ty TNHH Quản lý quỹ Kỹ thương (Techcom Capital).

Về bản chất, REIT là doanh nghiệp được thiết lập để chuyên về đầu tư (sở hữu) một hoặc một số bất động sản. Các bất động sản bao gồm căn hộ, trung tâm thương mại, khách sạn, resort, văn phòng cho thuê, kho bãi, khu công nghiệp… Thu nhập của REIT đa phần từ thu nhập của danh mục bất động sản mà nó đang sở hữu và khai thác. Cổ phiếu của REIT luôn có tính thanh khoản cao và lợi nhuận thu nhập bình quân hàng năm của quỹ khá ổn định. REIT phân phối đa phần thu nhập của mình cho các cổ đông dưới hình thức chia cổ tức. REIT có thể niêm yết, giao dịch OTC hoặc chỉ là REIT tư nhân.

Ở Vương quốc Anh, sản phẩm này lần đầu tiên được giới thiệu ra công chúng vào năm 2007, sau đó dần dần phát triển để trở thành thị trường REITs lớn thứ 4 trên toàn cầu vào năm 2014. REITs tại Nhật Bản được giao dịch công khai và chính thức vào năm 2001, thị trường REITs của Nhật Bản đã phát triển nhanh chóng để trở thành thị trường REITs lớn nhất châu Á và là một trong những thị trường hàng đầu về REITs trên thế giới. Tháng 8 năm 2006, Malaysia chính thức trở thành nhà phát triển Quỹ đầu tư bất động sản Hồi giáo đầu tiên trên thế giới. Với việc thực hiện REIT của Hồi giáo, thị trường bất động sản tuân thủ theo Hồi giáo có thể sẽ trở nên quan trọng trong các thị trường tài chính thế giới.

Triển khai REITs trên toàn cầu đã mang lại một số bài học kinh nghiệm quan trọng, đồng thời đó cũng là khuyến nghị để phát triển REITs tại Việt Nam hiện nay: Việt Nam cần thiết lập một khung pháp lý và quy định rõ ràng về việc thành lập, vận hành và quản lý REITs giúp đảm bảo tính minh bạch và sự ổn định của thị trường; Chính phủ có thể áp dụng các chính sách thuế để khuyến khích REITs; đảm bảo tính thanh khoản và công bằng trong giao dịch REITs; quản lý rủi ro và giám sát và nâng cao nhận thức và hiểu biết của nhà đầu tư đối với REITs.