Sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ trong quý II/2025 với nhiều ngành chủ lực ghi nhận mức tăng trưởng cao. Theo ước tính, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý II tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo – khu vực đóng góp lớn nhất – tăng 12,3%.
Tính chung 6 tháng đầu năm, IIP tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2024 – mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay, vượt cả mức tăng 8,0% của cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng đến chủ yếu từ ngành chế biến, chế tạo với mức tăng 11,1%, đóng góp tới 9,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,5%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 11,3%. Riêng ngành khai khoáng tiếp tục suy giảm 3,0%, kéo giảm 0,5 điểm phần trăm mức tăng chung.
Đáng chú ý, nhiều ngành công nghiệp cấp II ghi nhận mức tăng ấn tượng. Dẫn đầu là ngành sản xuất xe có động cơ với mức tăng tới 31,5%. Ngành sản xuất da và các sản phẩm liên quan tăng 17,1%; sản phẩm từ cao su và nhựa tăng 17,0%; sản xuất trang phục tăng 15,1%; phương tiện vận tải khác tăng 14,1%; sản phẩm từ khoáng phi kim loại tăng 13,7%. Ngành chế biến thực phẩm – một trong những ngành có nhu cầu ổn định – cũng tăng 10,8%. Ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 9,8%.
![]() |
Tốc độ tăng/giảm IIP 6 tháng đầu năm 2025 của một số địa phương. Nguồn: Cục Thống kê. |
Tuy vậy, một số ngành ghi nhận mức tăng thấp hoặc giảm nhẹ. Sản xuất đồ uống chỉ tăng 1,9%; sản xuất thiết bị điện tăng 1,1%. Ngành khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm tới 8,2%.
Ở cấp địa phương, IIP 6 tháng đầu năm 2025 tăng ở 62 tỉnh, thành phố. Một số địa phương ghi nhận mức tăng cao nhờ sự khởi sắc của ngành chế biến, chế tạo và sản xuất – phân phối điện. Ngược lại, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương duy nhất có chỉ số giảm 2,6%, chủ yếu do ngành khai khoáng đi xuống.
Về sản phẩm công nghiệp, nhiều mặt hàng chủ lực tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Ô tô tăng tới 70,2%; ti vi tăng 21,9%; phân NPK tăng 18,9%; khí hóa lỏng LPG tăng 16,9%; quần áo thường tăng 14,9%; giày dép da tăng 14,3%; thép các loại tăng 13,9%; đường kính tăng 12,8%. Một số sản phẩm ghi nhận xu hướng ngược chiều như khí đốt thiên nhiên dạng khí (giảm 12,3%), vải dệt từ sợi nhân tạo (giảm 4,9%) và dầu mỏ thô khai thác (giảm 3,9%).
![]() |
(Ảnh minh họa) Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng tốc mạnh nhất 5 năm, công nghiệp chế biến chế tạo duy trì vai trò đầu tàu. |
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành chế biến, chế tạo tháng 6/2025 tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng, chỉ số tiêu thụ tăng 9,8% – dù thấp hơn mức 10,8% của cùng kỳ năm 2024 nhưng vẫn là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, hàng tồn kho cũng gia tăng. Tại thời điểm 30/6/2025, chỉ số tồn kho tăng 12% so với cùng thời điểm năm trước. Tỷ lệ tồn kho bình quân 6 tháng đầu năm là 85,7%, cao hơn đáng kể so với mức 76,9% của cùng kỳ 2024.