Ngày 1/7/2025, Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) công bố cập nhật phân loại các quốc gia theo thu nhập, dựa trên chỉ tiêu GNI bình quân đầu người (Gross National Income per capita – Tổng thu nhập quốc dân trên đầu người). Theo đó, năm 2024 Việt Nam đạt mức 4.490 USD/người/năm, trong khi ngưỡng tối thiểu để được xếp vào nhóm "thu nhập trung bình cao" là 4.496 USD. Khoảng cách chỉ vỏn vẹn 6 USD khiến Việt Nam tiếp tục ở lại nhóm "thu nhập trung bình thấp" thêm ít nhất một năm nữa.
Theo phân loại của WB, các quốc gia được chia thành 4 nhóm dựa trên GNI/người (tính theo phương pháp Atlas):
- Thu nhập thấp: ≤ 1.135 USD
- Thu nhập trung bình thấp: 1.136 – 4.495 USD
- Thu nhập trung bình cao: 4.496 – 13.845 USD
- Thu nhập cao: ≥ 13.846 USD
Với mức GNI/người đạt 4.490 USD, Việt Nam hiện đứng ngay sát ngưỡng chuyển nhóm, cách "cửa lên hạng" đúng 6 USD. Điều này có thể ví von Việt Nam vẫn đã giữ được “sổ cận nghèo” gần hai thập kỷ.
Việt Nam chính thức vượt qua ngưỡng thu nhập thấp vào năm 2008, khi GNI/người đạt 1.070 USD, trong khi ngưỡng thu nhập thấp khi đó là ≤ 935 USD. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã 17 năm liên tiếp nằm trong nhóm các nước thu nhập trung bình thấp.
![]() |
(Ảnh minh họa) Việt Nam thiếu đúng 6 USD để 'lên hạng' thu nhập trung bình cao. |
Trong giai đoạn 2008–2024, GNI/người của Việt Nam đã tăng hơn 4 lần, phản ánh mức sống, năng suất và thu nhập của người dân có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, việc tiến gần ngưỡng "trung bình cao" mà chưa vượt qua được cũng cho thấy thách thức về cải cách, tăng năng suất và thu hẹp bất bình đẳng vẫn còn lớn.
Dù chưa thể "lên hạng", việc GNI/người tăng mạnh và tiệm cận nhóm trung bình cao cho thấy Việt Nam đang đi đúng hướng. Các động lực như chuyển đổi số, thu hút FDI chất lượng cao, phát triển hạ tầng, và tăng trưởng xanh được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy thu nhập người dân trong những năm tới.
Theo công bố lần này của WB, chỉ có Cabo Verde và Samoa chuyển từ nhóm thu nhập trung bình thấp lên trung bình cao.