Dự thảo Nghị định về tiền lương giáo viên đang được lấy ý kiến đã đưa ra hàng loạt quy định quan trọng về nguyên tắc trả lương, cách tính lương và các loại phụ cấp áp dụng trong ngành giáo dục.

Trả lương theo chức danh, gắn với hiệu quả công việc

Theo Điều 3 dự thảo, nhà giáo được bổ nhiệm vào chức danh nào thì sẽ được xếp lương và hưởng hệ số lương đặc thù tương ứng với chức danh đó.

Việc trả lương không chỉ căn cứ theo vị trí mà còn phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ và nguồn tài chính của cơ sở giáo dục, bao gồm ngân sách Nhà nước cấp, hỗ trợ hoặc các nguồn thu hợp pháp khác.

Chi tiết cách tính lương, phụ cấp mới nhất cho giáo viên theo chức danh nghề nghiệp, dự kiến áp dụng từ năm 2026

Đề xuất trả lương theo chức danh nghề nghiệp, gắn với hiệu quả công việc được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong chính sách tiền lương đối với giáo viên. Ảnh minh hoạ

Việc chuyển xếp lương, nâng bậc lương thường xuyên hoặc trước thời hạn được thực hiện theo quy định hiện hành đối với viên chức. Đáng chú ý, nếu hệ số lương cũ (kèm hệ số đặc thù cũ) cao hơn mức lương mới (kèm hệ số đặc thù mới), nhà giáo sẽ được bảo lưu phần chênh lệch.

Công thức tính mức chênh lệch bảo lưu như sau:

Mức chênh lệch bảo lưu = (Hệ số lương cũ × Hệ số đặc thù cũ) – (Hệ số lương mới × Hệ số đặc thù mới)

Cách tính tiền lương mới

Tiền lương của nhà giáo theo dự thảo sẽ được tính bằng công thức:

Tiền lương = (Hệ số lương + Phụ cấp chức vụ + Phụ cấp thâm niên vượt khung + Mức chênh lệch bảo lưu) × Mức lương cơ sở × Hệ số lương đặc thù

Nhiều phụ cấp đặc thù được giữ nguyên hoặc bổ sung

Dự thảo quy định các loại phụ cấp như phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp trách nhiệm công việc, khu vực, lưu động, công tác ở vùng khó khăn, độc hại - nguy hiểm… vẫn thực hiện theo quy định hiện hành. Nhà giáo cũng tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên ngành cho đến khi chính sách lương mới chính thức triển khai.

Một số điểm mới về phụ cấp trách nhiệm và lưu động

Phụ cấp trách nhiệm công việc 0,3 mức lương cơ sở sẽ được áp dụng cho: Nhà giáo làm tổ trưởng chuyên môn, tổ trưởng bộ môn, tổ quản lý hoặc tư vấn học sinh. Nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số (từ 4 tiết/tuần trở lên với giáo viên; 2 tiết/tuần trở lên với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng). Nhà giáo được cử làm nhiệm vụ cốt cán từ 15 ngày/tháng trở lên.

Chi tiết cách tính lương, phụ cấp mới nhất cho giáo viên theo chức danh nghề nghiệp, dự kiến áp dụng từ năm 2026
Ảnh minh hoạ

Phụ cấp lưu động cũng được mở rộng áp dụng với giáo viên biệt phái, tăng cường hoặc dạy liên trường; Giáo viên phải di chuyển để dạy tại các điểm trường vùng sâu, vùng xa như thôn, bản, phum, sóc.

Những đề xuất này nhằm từng bước cải thiện thu nhập cho nhà giáo, bảo đảm tương xứng với đặc thù nghề nghiệp và khuyến khích đội ngũ giáo viên yên tâm gắn bó với nghề.