Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy triển khai các thỏa thuận thương mại nhằm hướng tới cân bằng cán cân thương mại Việt - Mỹ, chiều ngày 7/5/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ với Hoa Kỳ đã chủ trì cuộc họp quan trọng với các doanh nghiệp đầu tàu của nền kinh tế.
Buổi làm việc diễn ra tại trụ sở Bộ Công Thương, quy tụ đại diện của hàng loạt tập đoàn lớn như PVN, EVN, PV Gas (GAS), Petrolimex, TKV, Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), Viettel, VNPT, Vietnam Airlines (HVN), Vietjet (VJC) và THACO.
![]() |
Bộ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc với các Tập đoàn, Tổng công ty, các doanh nghiệp lớn của Việt Nam |
Trong những năm qua, các Tập đoàn này đã nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm như máy bay, máy móc, trang thiết bị, turbin cho nhà máy điện khí, hệ thống truyền tải điện, chip GPU, nguyên nhiên vật liệu… từ Hoa Kỳ, trị giá lên tới nhiều tỷ USD.
Tại cuộc làm việc, đại diện các doanh nghiệp tiếp tục báo cáo về tình hình triển khai hợp đồng mua sắm trang thiết bị, dịch vụ, nguyên vật liệu từ Mỹ trong năm 2025. Đồng thời, họ cam kết sẽ tăng cường xúc tiến thương mại với đối tác Mỹ từ nay đến giữa năm 2025 để hiện thực hóa các thỏa thuận đã ký kết.
Những nỗ lực này không chỉ góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các doanh nghiệp hai nước mà còn giúp cân bằng cán cân thương mại hài hòa, bền vững.
Trước đó, trong chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Mỹ hồi tháng 3, nhiều hợp đồng và biên bản ghi nhớ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Mỹ đã được ký kết, với tổng giá trị lên tới hơn 4 tỷ USD. Đây là các thỏa thuận có tính chất chiến lược, mở đường cho quan hệ hợp tác lâu dài và có chiều sâu.
![]() |
Doanh nghiệp Việt Nam ký kết nhiều hợp đồng trị giá hơn 4 tỷ USD với Mỹ |
Cụ thể, PVGas ký MOU với ConocoPhillips và Excelerate Energy về cung ứng LNG dài hạn – giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung năng lượng;
Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ký hợp đồng với KBR (Mỹ); PVPower bắt tay với GE Vernova về cung cấp thiết bị và dịch vụ cho các nhà máy điện khí;
Petrolimex ký hợp tác với U.S. Grains Council, RFA và Growth Energy, đồng thời đạt thỏa thuận với Marquis Energy về nhập khẩu ethanol...
Những hợp đồng này không chỉ là bước tiến về thương mại mà còn đặt nền móng cho sự chuyển đổi công nghệ, nâng cao năng lực nội tại của các ngành công nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh năng lượng xanh và trung hòa carbon đang là ưu tiên toàn cầu.
Không đứng ngoài xu thế, các hãng hàng không lớn cũng đang tích cực tham gia vào chiến dịch cân bằng thương mại. Trong đó, Vietjet nổi bật với chiến lược mua máy bay từ các tập đoàn hàng không hàng đầu của Mỹ.
![]() |
Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo cùng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và tỷ phú Elon Musk |
Từ năm 2017, Vietjet đã ký kết hợp đồng trị giá gần 50 tỷ USD với các đối tác Mỹ như Boeing, GE, CFM, Pratt & Whitney và Honeywell. Đáng chú ý, hợp đồng mua 200 máy bay Boeing 737 MAX là biểu tượng rõ rệt nhất của cam kết thương mại giữa hai quốc gia. Trong năm 2025, những chiếc đầu tiên sẽ chính thức được bàn giao, đánh dấu bước chuyển quan trọng trong việc hiện thực hóa các thỏa thuận này.
Trong khi đó, Vietnam Airlines cũng vừa được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư mua 50 máy bay thân hẹp thuộc dòng Airbus A320 NEO hoặc Boeing 737 MAX, cùng 10 động cơ dự phòng, với tổng mức đầu tư ước tính 3,7 tỷ USD. Nếu chọn Boeing, thương vụ này sẽ là một trong những hợp đồng lớn nhất Việt Nam từng ký với phía Mỹ trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Việc các tập đoàn hàng đầu được “triệu tập” và đồng loạt kích hoạt loạt thỏa thuận lớn với Mỹ đánh dấu một bước ngoặt cho thấy Việt Nam sẵn sàng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy thương mại hai chiều và đóng góp vào quan hệ kinh tế bình đẳng, bền vững với Mỹ.