Kết phiên giao dịch ngày 8/2, chỉ số S&P 500 tăng 0,06% lên 4.997,9 điểm, sau khi chạm mức đỉnh lịch sử 5.000 ngay trước đó. Chỉ số Dow Jones tăng 49 điểm và duy trì vùng đỉnh 38.726 điểm; Nasdaq tăng 0,24% lên 15.793,7 điểm.

Kết quả lợi nhuận doanh nghiệp mạnh mẽ cùng với sự tăng trưởng liên tục của các cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn đã thúc đẩy thị trường trong những phiên gần đây. Tuy nhiên, sự dẫn đầu tập trung vào những cổ phiếu được ưa thích trong năm 2023 là vấn đề khiến một số nhà đầu tư lo ngại vì nó có thể cản trở đà tăng bền vững.

Michael Arone, Giám đốc chiến lược đầu tư tại State Street Global Advisors cho rằng, phạm vi giao dịch hẹp này là do sự bất định mới xung quanh việc hạ lãi suất sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell và các quan chức khác về khả năng hạ lãi suất vào tháng 3.

Báo cáo lợi nhuận vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư. Ông Arone nhận định: "Kết quả lợi nhuận tiếp tục tốt hơn kỳ vọng, góp phần tạo ra những động thái khá tích cực ở một số cổ phiếu. Nhìn chung, về mặt tâm lý, điều đó cho phép thị trường tiếp tục chạm tới những đỉnh cao mới".

Bên kia bán cầu, phiên sáng 9/2, chỉ số chứng khoán Nikkei đã vượt mốc 37.000 điểm lần đầu tiên sau 34 năm. Điều này chủ yếu nhờ giá cổ phiếu của các nhà xuất khẩu tăng mạnh trong bối cảnh đồng yen giảm giá và các công ty trong nhóm bluechip báo cáo kết quả kinh doanh tốt.

Chứng khoán Mỹ - Nhật: Niềm vui riêng ở hai nửa bán cầu
Diễn biến chỉ số Nikkei lúc 10h

Ngay trong 15 phút giao dịch đầu phiên, chỉ số chứng khoán Nikkei (gồm 225 mã chứng khoán) tăng 138,48 điểm (0,38%) so với chốt phiên ngày 8/1 lên mức 37.001,8. Chỉ số có lúc tăng lên 37.100 trong thời gian ngắn.