Thị trường chứng khoán kết phiên 5/3 bằng mức tăng gần 8,6 điểm của VN-Index. Chỉ số đóng cửa ngay sát mốc 1.270 điểm - cao nhất từ cuối tháng 8/2022.

Sắc tím của cổ phiếu MSN và mức tăng 5,5% của MWG là động lực chính kéo thị trường tăng điểm. Tuy nhiên, vẫn còn đó những cổ phiếu lớn giao dịch kém sắc như VHM, VCB, GVR...

Chỉ số sàn HoSE dành phần lớn thời gian giao dịch lình xinh quanh tham chiếu trước khi tăng mạnh ngay trước phiên ATC khiến không ít nhà đầu tư lo lắng. Câu hỏi đặt ra là, 5/3 có phải một phiên "tăng gượng" của VN-Index?

Một số vấn đề cần lưu ý:

- VN-Index đã tăng 72 điểm (+5,97%) sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch 2024. Rộng hơn, thị trường chứng khoán đã tăng 178 điểm từ nửa cuối tháng 12/2023 và tăng 241 điểm trong hơn 4 tháng trở lại đây.

Chứng khoán tăng 240 điểm: Tiền lớn hưng phấn, 'nhỏ lẻ' coi chừng
Diễn biến chỉ số VN-Index

- Thanh khoản thị trường tăng mạnh trong 1 tháng gần nhất - duy trì trên mức 20.000 tỷ đồng/phiên. Đi kèm với đó, dấu ấn của các dòng tiền lớn cũng được thể hiện rõ nét trên chỉ báo MCDX.

Dòng tiền lớn đang dịch chuyển ở giai đoạn cuối nhịp tăng? Sự hưng phấn của nhà đầu tư là chỉ báo đáng lo ngại?

Chuỗi tăng điểm hơn 4 tháng qua của VN-Index có dấu ấn tiên phong của nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng. Trong hai tháng đầu tiên, vai trò kéo trụ của các cổ phiếu họ bank được thể hiện rõ nét; thị trường tăng điểm và cũng chỉ duy nhất nhóm ngân hàng tăng đồng thuận. Các nhóm còn lại chủ yếu tăng nhỏ lẻ, lắt nhắt...

Hai tháng trở lại đây, các cổ phiếu trụ bank tiếp tục tăng giá song trạng thái phân phối đã bắt đầu xuất hiện kể từ sau nghỉ Tết Âm lịch. Tuy nhiên, dòng tiền lớn bắt đầu lan tỏa luân phiên, nhanh và dứt khoát tại hầu hết các nhóm ngành như dầu khí, phân bón - hóa chất, chứng khoán, thép, cảng biển, thủy sản, bán lẻ, đầu tư công... Nói cách khác, vai trò dẫn dắt và lan tỏa của nhóm ngân hàng đã gần như hoàn thành sau hơn 4 tháng "khởi nghĩa".

Trên một số diễn đàn chứng khoán, hiện tượng nhà đầu tư khỏe lãi bắt đầu xuất hiện nhiều hơn. Đây là một trong những tín hiệu cho thấy không ít chứng sĩ đang trong cơn say đầu tư có lãi (trạng thái hưng phấn tâm lý).

Chỉ báo RSI tiếp tục duy trì trạng thái quá mua trong hơn 1 tuần giao dịch gần nhất. VN-Index cũng vận động song hành với dải trên chỉ báo Bollinger Band cho thấy khả năng đảo chiều ngắn hạn hoàn toàn có thể xảy ra.

- Thị trường chứng khoán đang tiệm cận vùng kháng cự cũ tháng 8/2020 (ngưỡng 1.280 điểm). Đây có thể là thử thách của chỉ số trong những phiên tới.

- Khối ngoại trở lại bán ròng 101 tỷ đồng trên sàn HoSE phiên 5/3. Tương tự, dòng tiền tự doanh chứng khoán tiếp tục hoạt động chốt lời khi rút thêm 337 tỷ đồng ra khỏi thị trường.

Trong cơn say cổ phiếu tăng giá, chốt lời một phần danh mục, hiện thực hóa một phần lợi nhuận là hành động nên được cân nhắc ở thời điểm này.