Doanh nghiệp Việt không sợ ổ gà, chỉ sợ luật chơi không rõ ràng

“Tăng trưởng GDP năm nay phải đạt 8%, từ năm 2026 phải đạt 10% liên tục, nếu không Việt Nam sẽ mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình. Đây là con số không chỉ khó mà gần như chưa từng có tiền lệ bền vững ngoài các nền kinh tế Đông Á như Hàn Quốc, Nhật Bản”, TS Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), mở đầu tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68”, sáng 13/5, với một cảnh báo.

Dưới góc nhìn của ông, Việt Nam đang đứng trước một ngã ba phát triển: hoặc chuyển mình, hoặc chấp nhận tụt lại. Những con số không hề làm màu, đó là thực tiễn khắc nghiệt của một nền kinh tế đang vươn tới mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045, nhưng lại mang trên vai nhiều lực cản.

'Doanh nhân không sợ ổ gà, chỉ sợ luật chơi không rõ ràng'

TS Minh phân tích: Kinh tế nhà nước hiện chiếm khoảng 20% GDP và gần như không tăng thêm. Trong khi khu vực FDI – chiếm 22% GDP đã chững lại kể từ năm 2019.

Theo ông Minh, Nghị quyết 68 được xây dựng dưới sức ép khổng lồ, không chỉ từ kỳ vọng đổi mới, mà còn từ cái bóng quá lớn của Nghị quyết 57. Đó là một văn bản từng được đánh giá rất cao về nội dung, nhưng đến khâu thực thi lại vướng nghẽn mạch do chưa gỡ được các nút thắt chính sách.

“Làm thế nào để triển khai 142 đầu việc cụ thể, không để nghị quyết tiếp tục nằm trên giấy? Đây là câu hỏi hóc búa mà đội ngũ xây dựng phải trả lời mỗi ngày”, ông nói.

Điểm mới lần này, theo ông Minh là cách tiếp cận từ thực tiễn. Ban IV không xây dựng nghị quyết từ trên xuống, mà thông qua đối thoại liên tục với doanh nghiệp để nghe được tiếng nói từ thị trường. Chính trong quá trình ấy, cụm từ “động lực quan trọng nhất” dành cho kinh tế tư nhân được bổ sung vào văn bản, thay vì chỉ dừng ở những khẩu hiệu an toàn.

TS Minh phân tích: Kinh tế nhà nước hiện chiếm khoảng 20% GDP và gần như không tăng thêm. Trong khi khu vực FDI chiếm 22% GDP, đã chững lại kể từ năm 2019. Phần lớn dòng vốn ngoại vẫn nằm ở phân khúc gia công, thâm dụng lao động và vốn, không tạo ra giá trị gia tăng cao.

“Nếu muốn vượt lên, FDI phải vào những lĩnh vực như bán dẫn, AI, nhưng chúng ta đang đi sau thế giới đến 50 năm. Trong khi đó, tư nhân trong nước là lực lượng duy nhất có thể phát triển theo chiều sâu và chủ động thích nghi nhanh nếu có luật chơi rõ ràng”, ông Minh nhận định.

Tuy nhiên, nghịch lý lại nằm ở cách đối xử: Nhiều doanh nghiệp nội, khi phát triển đến một quy mô nhất định, lại chuyển thành FDI để hưởng ưu đãi. Bởi tâm lý “tiếp khách” vẫn phổ biến hơn tư duy “trân trọng người nhà”.

“Một doanh nhân không sợ ổ gà, họ chỉ sợ luật chơi không rõ ràng. Nếu luật chơi minh bạch, họ có thể chủ động giảm tốc hay tăng tốc, chứ không phải đánh cược với rủi ro chính sách”, ông ví von.

'Doanh nhân không sợ ổ gà, chỉ sợ luật chơi không rõ ràng'
Nhiều doanh nghiệp nội, khi phát triển đến một quy mô nhất định, lại chuyển thành FDI để hưởng ưu đãi. Bởi tâm lý “tiếp khách” vẫn phổ biến hơn tư duy “trân trọng người nhà”.

Không ưu tiên, chỉ cần công bằng

Ông Minh nhấn mạnh, Nghị quyết 68 không phải để ưu ái khu vực tư nhân, mà để thiết lập lại một “luật chơi” công bằng, nơi doanh nghiệp tư nhân được cạnh tranh sòng phẳng, tự do phát triển năng lực. Theo ông, đây không còn là một lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc nếu Việt Nam muốn vươn lên nhóm 15 nền kinh tế hàng đầu thế giới trong vòng hai thập kỷ tới.

Với cách tiếp cận mới, Ban IV đưa ra 2 tư duy chủ đạo trong thiết kế chính sách:

Tư duy cởi trói: gỡ các nút thắt về đất đai, tiếp cận vốn, môi trường kinh doanh, cạnh tranh công bằng.

Tư duy phát triển: phân nhóm doanh nghiệp theo năng lực, từ doanh nghiệp dẫn dắt chiến lược, tiên phong công nghệ đến nhóm nhỏ nhưng có tiềm năng lớn.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng lần đầu tiên đẩy mạnh chính sách để hộ kinh doanh cá thể ra khỏi vùng an toàn và trở thành lực lượng doanh nghiệp thực thụ, một cuộc dịch chuyển dài hạn nhưng rất cần thiết.

TS Minh cho rằng, Việt Nam đang trong giai đoạn không chậm nhưng cũng chưa nhanh – một quãng chuyển giao mà mọi lựa chọn đều cần tỉnh táo. Ông chỉ ra thực trạng đáng lưu tâm: trong khi Nhật Bản vay vốn với lãi suất 1% – 2%, thì Việt Nam phải trả 6% – 7%, rất khó cạnh tranh, nhưng tin rằng điều quan trọng hơn là giữ thái độ đúng đắn và sự kiên định trong cải cách.

“Việt Nam không thiếu khát vọng. Một dân tộc từng là anh hùng trong chiến tranh, thông minh trong thời bình, thì không có lý do gì không thể bứt phá nếu dám hành động và cải cách xứng đáng với hy sinh của cha ông”, ông khẳng định.