Chuyện về vị lãnh đạo chứng khoán bắt đầu hành trình ở tuổi 60

Năm 2000, ở tuổi 60, ông Nguyễn Thanh Kỳ vẫn đều đặn đến trụ sở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với cương vị khi đó là Chánh Văn phòng. Ở cái tuổi nhiều người bắt đầu nghĩ đến nghỉ ngơi, ông và các cộng sự lại bắt đầu một hành trình hoàn toàn mới. Không ít trăn trở, lắng lo trong bối cảnh thị trường chứng khoán khi ấy còn quá mới mẻ.

Thế nhưng, nhờ sự kiên trì, niềm tin trong giai đoạn sơ khởi, thị trường chứng khoán dần được định hình. Từ hai mã cổ phiếu đầu tiên là SAM và REE đến hàng nghìn mã niêm yết, từ một sàn giao dịch nhỏ ở TP. HCM đến hệ sinh thái đa tầng với sự góp mặt của hàng loạt doanh nghiệp lớn và nhà đầu tư thuộc nhiều thế hệ. Khái niệm “chứng khoán” dần được biết đến rộng rãi với đông đảo người dân.

Gần ba thập kỷ nhìn lại, thị trường không chỉ là kênh huy động vốn mà còn trở thành biểu tượng cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Một hành trình dài bắt đầu từ những con người dám bước đi trong hoài nghi, để viết nên những chương đầu cho thị trường vốn Việt Nam ngày hôm nay.

Chuyện về vị lãnh đạo chứng khoán bắt đầu hành trình ở tuổi 60

“Nhớ lại ngày này 25 năm trước, tôi cảm thấy tự hào xen lẫn xúc động”, ông Nguyễn Thanh Kỳ (hiện là Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh Chứng khoán Việt Nam) kể lại với người viết. Đối với ông, đó không chỉ là một dấu mốc sự nghiệp, mà còn là sự khởi đầu của một hành trình đầy gian nan, trăn trở nhưng cũng đầy tự hào.

Ông kể lại, những ngày đầu thành lập, thị trường chứng khoán còn rất sơ khai - mọi thứ đều mới mẻ, thiếu các quy định rõ ràng để điều chỉnh hoạt động. Hạ tầng công nghệ gần như bằng 0, khi mọi giao dịch được thực hiện thủ công bằng tay. Và... chỉ vỏn vẹn hai mã cổ phiếu niêm yết trên sàn.

Khi ấy, nhà đầu tư gần như “mò mẫm” thông tin, đội ngũ nhân sự ngành chứng khoán vừa làm, vừa học hỏi từ những thị trường phát triển hơn. Trong bối cảnh ấy, bài toán hợp tác quốc tế đã trở thành chiếc phao cứu sinh, giúp thị trường chứng khoán Việt Nam từng bước xây dựng năng lực và duy trì sự sống trong những ngày đầu non trẻ.

Ông Kỳ kể với chúng tôi về những lần xuống các tỉnh tham gia đào tạo nhà đầu tư trong những ngày đầu thành lập thị trường. Tại đó, một nhà đầu tư nhỏ lẻ từng chia sẻ rằng khoản lãi từ vài triệu đồng đầu tư vào cổ phiếu REE đã giúp ông trang trải học phí cho con. Câu chuyện này khiến ông Kỳ tin rằng, thị trường chứng khoán không chỉ là kênh huy động vốn cho doanh nghiệp, mà còn là nơi mang lại cơ hội cải thiện cuộc sống cho nhiều người dân bình thường.

Chuyện về vị lãnh đạo chứng khoán bắt đầu hành trình ở tuổi 60

Từ những viên gạch đầu tiên, thị trường chứng khoán Việt Nam nhanh chóng mở rộng cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Sau giai đoạn 2000 - 2005, thị trường bước vào thời kỳ “vàng son”. Chỉ số VN-Index tăng vọt, đạt đỉnh 1.170 điểm vào tháng 3/2007 - tương đương vốn hóa khoảng 40% GDP. Làn sóng IPO cũng diễn ra rầm rộ với sự góp mặt của Vietcombank, Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ… thổi bùng phong trào đầu tư chưa từng có.

Theo ông, dấu mốc quan trọng thời điểm đó là Luật Chứng khoán đầu tiên được ban hành năm 2006, mở đường cho sự tham gia mạnh mẽ hơn từ nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp.

Nhưng đi cùng sự sôi động đó là nỗi trăn trở. Giữ vai trò Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán khi ấy, ông Kỳ cùng các cộng sự đã phải đối mặt với bài toán khó: “Làm sao cân bằng giữa việc thúc đẩy thanh khoản và đảm bảo tính ổn định trong giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng”.

“Chúng tôi từng đề xuất siết giao dịch ký quỹ để giảm rủi ro. Nhưng mỗi quyết định như vậy đều gây tranh cãi. Làm sao để giữ sự hấp dẫn cho nhà đầu tư, mà vẫn đảm bảo tính lành mạnh của thị trường? Đó là câu hỏi ám ảnh tôi suốt những năm ấy”, ông chia sẻ.

Chuyện về vị lãnh đạo chứng khoán bắt đầu hành trình ở tuổi 60
Nhà đầu tư xếp hàng đến lượt đặt lệnh giao dịch
Chuyện về vị lãnh đạo chứng khoán bắt đầu hành trình ở tuổi 60

Đúng theo quy luật của thị trường, sau giai đoạn tăng trưởng nóng là thời kỳ điều chỉnh mạnh. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cùng các chính sách thắt chặt trong nước như một cơn lốc thổi bay mọi thành quả tích lũy trước đó. Hiệu ứng “hòn tuyết lăn” trên sàn chứng khoán đã tạo ra nỗi ám ảnh khó quên với những ai từng trải qua giai đoạn này.

Thời điểm đó, mỗi sáng mở bảng điện tử, hàng triệu cổ phiếu bị bán tháo hàng loạt, nằm sàn trắng bên mua. Làn sóng hoảng loạn lan rộng, nhà đầu tư tìm mọi cách “thoát hàng”, chấp nhận lỗ nặng. Chỉ tính riêng năm 2008, VN-Index đã bay hơi gần 70%, rơi xuống vùng đáy 280 điểm. Nhiều cổ phiếu mất 80 - 90% giá trị. Quy mô vốn hóa thị trường từ mức 30 tỷ USD đầu năm tụt xuống chỉ còn khoảng 13 tỷ USD, tương đương 17% GDP.

“Chính giai đoạn khủng hoảng cũng để lộ ra các điểm yếu của thị trường, buộc các cơ quan quản lý và thành viên thị trường cải tổ về sự minh bạch, quản trị rủi ro”, ông Kỳ trăn trở.

Chuyện về vị lãnh đạo chứng khoán bắt đầu hành trình ở tuổi 60

Phải đến đầu năm 2013, thị trường chứng khoán mới bắt đầu hồi phục sau giai đoạn dài lao dốc, nhờ loạt chính sách tái cấu trúc mạnh mẽ. Việc thúc đẩy minh bạch thông tin, xử lý các công ty yếu kém và phát triển sản phẩm mới như quỹ ETF đóng vai trò nền tảng. Cùng thời gian, hàng loạt cải tiến kỹ thuật cũng được triển khai như: Rút ngắn thời gian thanh toán từ T+4 xuống T+3, sau đó là T+2 vào năm 2016, bổ sung lệnh giao dịch điều kiện và đặc biệt là ra mắt chỉ số VN30 vào năm 2012 - đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và thanh khoản cao nhất thị trường.

Một dấu mốc quan trọng diễn ra vào năm 2015 khi Việt Nam chính thức nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, mở ra không gian thu hút dòng vốn ngoại. Theo ông Kỳ, những cải cách này không chỉ giúp thị trường vượt qua dư chấn khủng hoảng mà còn tạo tiền đề cho giai đoạn tăng trưởng bền vững, từng bước đưa chứng khoán Việt Nam tiệm cận chuẩn mực quốc tế.

Chuyện về vị lãnh đạo chứng khoán bắt đầu hành trình ở tuổi 60

Kể từ năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào một giai đoạn phát triển vượt bậc, không chỉ mở rộng mạnh mẽ về quy mô vốn hóa mà còn trở nên hấp dẫn hơn với dòng vốn ngoại. Một phần quan trọng trong sự chuyển mình này đến từ chất lượng hàng hóa niêm yết ngày càng cải thiện, đặc biệt với sự gia nhập của những doanh nghiệp lớn như Vingroup, Techcombank, Hòa Phát…

Ngồi nhớ lại giai đoạn này, ông Kỳ cho biết nhiều lãnh đạo doanh nghiệp đã để lại dấu ấn sâu đậm trong hành trình phát triển của thị trường. Họ không chỉ đưa doanh nghiệp của mình lên sàn, mà còn tiên phong áp dụng các chuẩn mực quản trị hiện đại. Chính sự kiên trì, tầm nhìn dài hạn và tinh thần trách nhiệm đó đã góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, củng cố niềm tin của nhà đầu tư và thúc đẩy thị trường đi lên.

Trong quá trình đó, ông cũng chứng kiến sự chuyển mình rõ rệt của các công ty chứng khoán. Những gương mặt như SSI, VNDirect, HSC, PVS hay CTS không chỉ dừng lại ở việc cung cấp dịch vụ đa dạng, mà còn chủ động đầu tư công nghệ, mở rộng hoạt động và từng bước vươn ra khu vực.

Một dấu mốc quan trọng mà ông nhiều lần nhắc đến là việc vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới (KRX) sau nhiều năm chờ đợi, mang theo kỳ vọng nâng cấp hạ tầng giao dịch và tăng tính minh bạch.

Cùng với đó, Việt Nam đã được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng của tổ chức FTSE Russell, mở ra kỳ vọng tiếp cận dòng vốn lớn từ các quỹ đầu tư toàn cầu. Với ông, việc được FTSE Russell xem xét nâng hạng là cột mốc lịch sử, thể hiện sự trưởng thành vượt bậc của thị trường chứng khoán Việt Nam sau 25 năm, qua đó mở ra cơ hội hút hàng tỷ USD vốn ngoại.

Vị lãnh đạo cũng nhìn nhận việc nâng hạng là minh chứng rõ ràng cho sự cải thiện vượt bậc về quy mô, thanh khoản và mức độ minh bạch, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập tài chính quốc tế của Việt Nam. Là người theo sát thị trường ngay từ những ngày đầu, ông cho biết Việt Nam đã và đang nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, cải tiến cơ chế thanh toán và nâng tầm quản trị doanh nghiệp - những nền móng cần thiết để thị trường phát triển bài bản, minh bạch và bền vững hơn.

Chuyện về vị lãnh đạo chứng khoán bắt đầu hành trình ở tuổi 60

Sau gần ba thập kỷ hình thành và phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam đang đứng trước một ngưỡng cửa mới, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn bao giờ hết.

Theo ông, Hiệp hội và các thành viên đã âm thầm chuẩn bị cho bước chuyển mình đó. Không chỉ là đẩy mạnh đào tạo, mà còn là việc đưa công nghệ tiến tiến vào từng thao tác giao dịch, phân tích. Những kiến nghị gửi đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không chỉ xoay quanh chính sách, mà còn là kỳ vọng về một hệ thống thanh toán hiện đại, minh bạch, thu hút dòng vốn ngoại.

Ông cho biết các sản phẩm mới như phái sinh, trái phiếu xanh, công cụ tài chính sáng tạo lần lượt được thúc đẩy. Mỗi công ty chứng khoán, mỗi doanh nghiệp niêm yết đều đang từng bước hoàn thiện mình để đáp ứng các tiêu chí khắt khe của các tổ chức nâng hạng như FTSE Russell hay MSCI.

Và cuối cùng, trong bức tranh đa tầng của thị trường, nhà đầu tư cá nhân - lực lượng ngày càng đóng vai trò lớn - cũng dần được chú trọng. Những chương trình đào tạo tài chính được tổ chức không chỉ nhằm trang bị kiến thức, mà còn để giảm thiểu rủi ro, củng cố niềm tin cho nhóm nhà đầu tư đông đảo này.

Chuyện về vị lãnh đạo chứng khoán bắt đầu hành trình ở tuổi 60