Doanh thu tăng trưởng mạnh nhờ bảo hiểm gốc
Trong quý II/2025, CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABI) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 65 tỷ đồng, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù doanh thu phí bảo hiểm tăng trưởng hai chữ số, nhưng chi phí bồi thường cao và áp lực dự phòng lớn khiến kết quả kinh doanh suy giảm đáng kể.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm trong quý đạt 703 tỷ đồng, tăng 12,3% so với quý II/2024, chủ yếu nhờ tăng trưởng ấn tượng từ nghiệp vụ bảo hiểm gốc. Trong cơ cấu sản phẩm, bảo hiểm sức khỏe tiếp tục là mảng kinh doanh chủ lực với doanh thu gần 480 tỷ đồng, tăng hơn 12%.
Bảo hiểm xe cơ giới đạt hơn 112 tỷ đồng, tăng hơn 22%, trong khi bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm tài sản đều có mức tăng trưởng bứt phá, lần lượt đạt 43,7 tỷ và 42,2 tỷ đồng. Nhờ đó, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 638 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, đà tăng doanh thu không đủ bù đắp áp lực chi phí. Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong kỳ vọt lên 427 tỷ đồng, tăng 22%. Chi phí bồi thường bảo hiểm gốc tăng gần 43 tỷ đồng, đạt 230,7 tỷ đồng, tập trung ở các nghiệp vụ như bảo hiểm sức khỏe, xe cơ giới và cháy nổ.
Riêng bảo hiểm cháy nổ, chi phí bồi thường tăng đột biến từ chưa đến 1 tỷ đồng cùng kỳ lên hơn 25 tỷ đồng, khiến biên lợi nhuận nghiệp vụ này bị co hẹp rõ rệt. Ngoài ra, ABI cũng trích lập thêm dự phòng bồi thường ở mức cao, với phần dự phòng cho bảo hiểm gốc và nhận tái bảo hiểm tăng mạnh từ 7 tỷ lên 53 tỷ đồng, phản ánh chiến lược tăng cường năng lực tài chính phòng ngừa rủi ro.
![]() |
Lợi nhuận tài chính không còn là "cứu cánh"
Bên cạnh sụt giảm lợi nhuận từ hoạt động chính, mảng đầu tư tài chính – vốn từng là điểm tựa quan trọng cho lợi nhuận ABI – cũng ghi nhận suy yếu. Trong quý II, doanh thu tài chính đạt 36,6 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ.
Gần như toàn bộ nguồn thu đến từ lãi tiền gửi có kỳ hạn (chiếm 99%), trong khi phần lãi từ chênh lệch tỷ giá chỉ còn chưa đầy 55 triệu đồng, giảm mạnh so với mức 230 triệu đồng quý II/2024. Cấu trúc doanh thu tài chính như vậy cho thấy ABI gần như không còn dư địa gia tăng lợi nhuận nếu mặt bằng lãi suất tiếp tục hạ nhiệt trong nửa cuối năm.
Danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn của ABI hiện lên tới 3.314 tỷ đồng, toàn bộ là tiền gửi có kỳ hạn từ ba tháng trở lên. Đây là chiến lược đầu tư an toàn tuyệt đối, không có trái phiếu doanh nghiệp hay cổ phiếu, giúp ABI tránh được rủi ro thanh khoản và định giá, nhưng đồng thời cũng khiến lãi suất trở thành biến số quyết định gần như duy nhất đến hiệu quả đầu tư. Việc lợi nhuận từ đầu tư tài chính quý II sụt nhẹ hơn 10% phần nào cho thấy giới hạn của cấu trúc đầu tư quá tập trung vào tiền gửi.
Giai đoạn 2022–2024, thống kê cho thấy ABI ngày càng phụ thuộc vào lợi nhuận tài chính, khi tỷ trọng đóng góp từ kênh này tăng từ dưới 40% lên mức 50–60% tổng lợi nhuận trước thuế.
![]() |
Kế hoạch năm 2025 tham vọng
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, ABI đặt mục tiêu doanh thu kinh doanh bảo hiểm đạt 2.650 tỷ đồng, doanh thu đầu tư tài chính 140 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tối thiểu 315 tỷ đồng và tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) không thấp hơn 15%. Cổ tức dự kiến được duy trì ở mức tối thiểu 14% trên mỗi cổ phần.
Sau nửa đầu năm, ABI đã hoàn thành 51% kế hoạch doanh thu đầu tư tài chính và 58% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế – mức thực hiện tương đối phù hợp với tiến độ kế hoạch năm, trong bối cảnh thị trường bảo hiểm và lãi suất có những diễn biến khó lường. Các chỉ tiêu này sẽ tiếp tục được theo dõi sát trong những quý còn lại của năm để đánh giá mức độ bám sát mục tiêu tổng thể đã đề ra.
Trước những thách thức về vốn và yêu cầu tuân thủ pháp lý mới, ABIC đang chuẩn bị bước vào đợt tăng vốn đáng kể. Theo Nghị quyết Hội đồng Quản trị mới đây, công ty sẽ phát hành gần 29 triệu cổ phiếu – tương đương 40% lượng cổ phiếu đang lưu hành – bao gồm cổ phiếu trả cổ tức và phát hành từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Sau đợt phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ 723,9 tỷ lên hơn 1.013 tỷ đồng. Nguồn vốn sử dụng được trích từ lợi nhuận chưa phân phối năm 2024 và quỹ đầu tư phát triển theo phương án phân phối lợi nhuận đã được ĐHĐCĐ thông qua.
Động thái tăng vốn không chỉ nhằm đáp ứng quy định tại Nghị định 46/2023/NĐ-CP và Thông tư 67/2023/TT-BTC – về yêu cầu đối xứng vốn và quy mô rủi ro – mà còn tạo nền tảng tài chính vững chắc cho ABI chuẩn bị cho kế hoạch dài hạn. Ban lãnh đạo công ty cũng hé lộ kế hoạch niêm yết chính thức sau năm 2027, sau khi hoàn tất tái cấu trúc toàn hệ thống, đồng bộ với mạng lưới chi nhánh ngân hàng mẹ và đáp ứng đủ tiêu chuẩn quản trị theo quy định của sàn HoSE hoặc HNX.