CTCP Chứng khoán CV (CVS) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với doanh thu hoạt động đạt gần 5 tỷ đồng, tăng trưởng đột biến 1.472% so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn nguồn thu đến từ lãi các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) với hơn 4,1 tỷ đồng, ngoài ra còn có khoảng 205 triệu đồng từ lãi cho vay và phải thu, gần 567 triệu đồng từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán.
Đặc biệt, công ty cũng thu về gần 6,9 triệu đồng từ nghiệp vụ lưu ký chứng khoán, tăng 12.953% so với cùng kỳ (ở mức 52,6 nghìn đồng)
Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong kỳ lên tới gần 8 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí môi giới. Cộng thêm gần 4 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp, CVS ghi nhận khoản lỗ trước thuế hơn 6 tỷ đồng - đánh dấu quý thứ 11 liên tiếp kinh doanh thua lỗ.
![]() |
CVS thua lỗ nhiều quý liên tiếp |
Năm 2025, CVS đặt mục tiêu doanh thu hoạt động là 55 tỷ đồng, cao gấp gần 5 lần mức thực hiện năm 2024. Dù vậy, công ty vẫn lên kế hoạch lỗ sau thuế 34,7 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 27 tỷ đồng của năm ngoái. Sau quý I, công ty mới hoàn thành 9% chỉ tiêu doanh thu và đã “hoàn thành” 17% mức lỗ theo kế hoạch.
![]() |
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của CVS. Nguồn: Biên bản Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 |
Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản của CVS đạt 334 tỷ đồng, giảm khoảng 6 tỷ so với đầu năm. Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) còn 105 tỷ đồng, giảm gần 60% sau 3 tháng đầu năm. Đây toàn bộ là khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các Ngân hàng.
Ngược lại, khoản tiền và tương đương tiền tăng mạnh lên 181 tỷ đồng, bao gồm tiền gửi ngắn hạn hoặc còn lại thời gian đáo hạn từ 1–3 tháng.
Đáng chú ý, công ty bắt đầu phát sinh dư nợ cho vay margin và ứng trước tiền bán (UTTB) với quy mô gần 5 tỷ đồng sau quý I/2025. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2024 là gần 128 tỷ đồng.
Công ty chứng khoán "chung một nhà" với ví điện tử MoMo
Chứng khoán CV tiền thân là Chứng khoán Hồng Bàng, thành lập năm 2009. Năm 2015, công ty đổi tên thành Chứng khoán Hưng Thịnh và sau đó tiếp tục đổi thành Chứng khoán CV vào năm 2018.
Ngày 9/6/2022, CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) - đơn vị sở hữu ví điện tử MoMo đã mua lại hơn 4,4 triệu cổ phần CVS (49% vốn) từ hai lãnh đạo công ty là ông Jiang Wen (Phó Chủ tịch) và ông Nguyễn Kim Hậu (Tổng Giám đốc). Đây được xem là một bước đi chiến lược của M_Service trong việc mở rộng hệ sinh thái tài chính, trong bối cảnh MoMo vẫn chưa đem lại “trái ngọt” sau nhiều năm hoạt động.
Báo cáo tài chính cho thấy doanh thu của MoMo tăng trưởng liên tục mỗi năm, tuy nhiên cũng ghi nhận khoản lỗ ngày càng lớn. Liên tiếp 2 năm 2022 và 2023, lỗ ròng của MoMo lần lượt đạt 1.150 tỷ và 287 tỷ đồng.
Dù vậy, công ty này vẫn tiếp tục đầu tư vào CVS. Tính đến cuối quý I/2025, M_Service sở hữu gần 22,4 triệu cổ phần CVS, tương đương 49% vốn điều lệ. Ngoài ra, ba cá nhân là ông Lê Công Trường, bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa và ông Lê Hùng Cường vẫn giữ tổng cộng 17% cổ phần CVS, không thay đổi so với đầu năm.
![]() |
Cổ đông tại CVS. Nguồn: BCTC quý I/2025 |