Ngày 6/7/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 104/CĐ-TTg về việc tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa và tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025.

Công điện được gửi đến Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cùng lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước.

Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.

(1) Theo dõi sát diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, bám sát mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách tiền tệ cần phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, thực hiện theo các chỉ đạo tại Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 31/5/2025, các Nghị quyết Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng.

(2) Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm hạ mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân theo tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”. Tín dụng cần ưu tiên các lĩnh vực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xanh, tuần hoàn... Đồng thời, tăng cường xử lý và kiểm soát nợ xấu, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2025 đạt khoảng 16%. Định hướng từ năm 2026 sẽ điều hành tín dụng theo cơ chế thị trường, thay vì phân bổ hạn ngạch.

(3) Điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, hài hòa, cân bằng hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá; theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, nhất là việc điều chỉnh chính sách của FED và các ngân hàng trung ương, nâng cao chất lượng phân tích, dự báo và có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đa dạng hóa các kênh cung ứng ngoại tệ, ổn định giá trị đồng Việt Nam, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế.

(4) Khẩn trương rà soát, phân tích, đánh giá tác động, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, khẩn trương xem xét việc gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tăng trưởng tín dụng thông qua phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng; chuyển việc điều hành tăng trưởng tín dụng theo cơ chế thị trường và đánh giá rủi ro của từng tổ chức tín dụng, xây dựng bộ tiêu chí kiểm soát an toàn tín dụng, bảo đảm thúc đẩy phân bổ vốn tín dụng chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia; hoàn thành trong tháng 7 năm 2025.

(5) Đẩy mạnh chương trình tín dụng đối với người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long…

(6) Tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng phù hợp, kịp thời, hiệu quả; khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trước 15/7/2025.