VN-Index phiên sáng diễn ra tương đối thận trọng, kết thúc phiên nghiêng về phe bán với 244 mã giảm và 138 mã tăng giá. Chỉ số VN-Index giảm 4,21 điểm, xuống 1.257,03 điểm.

Dòng tiền đổ 3.362 tỷ đồng vào sắc đỏ, trong khi đổ vào sắc xanh 1.708 tỷ đồng. Hơn 236,8 triệu đơn vị được sang tay, suy yếu mạnh so với 409,5 triệu đơn vị cùng thời điểm trong phiên trước.

Chỉ số VN-Index phiên sáng
Chỉ số VN-Index phiên sáng

Sắc đỏ trải rộng trên nhiều nhóm ngành. Tuy nhiên, nhóm bảo hiểm có pha “khởi dậy” ngay trong phiên sáng, với chỉ số ngành tăng khoản 2,68%.

Theo đó, hàng loạt cổ phiếu nổi sóng như: MIG (+6,28%), BVH (+4,36%), AIC (+8,4%), BMI (+2,35%) ...

Đáng chú ý, cổ phiếu MIG của Bảo hiểm Quân đội tăng từ rất sớm, đến khoảng 10 giờ, MIG giao dịch ở mức giá trần. Kể từ sau đó, MIG giao dịch ở vùng giá 22.850 - 23.000 đồng/cp cho đến hết phiên sáng.

Kết thúc phiên sáng, MIG chốt hạ tại 22.850 đồng/cp, tăng 6,28% so với tham chiếu. Như vậy, thị giá của MIG cách đỉnh lịch sử khoảng 2 phiên tăng trần.

Cổ phiếu bảo hiểm đón dòng tiền: MIG tăng trần, BVH ‘đầu tàu’ kéo VN-Index
Diễn biến cổ phiếu MIG phiên sáng 27/6

BVH của Tập đoàn Bảo Việt cũng có mức tăng ấn tượng với biên độ 4,36%, chốt tại 46.700 đồng/cp. Thanh khoản BVH tăng mạnh với hơn 1,7 triệu đơn vị giao dịch trong phiên sáng, tương ứng 80,6 tỷ đồng về giá trị.

Diễn biến của BVH đã đóng góp tích cực cho chỉ số VN-Index. Theo đó, cổ phiếu này kéo tăng 0,35 điểm chỉ số, dẫn đầu trong nhóm tác động tích cực.

Cổ phiếu bảo hiểm đón dòng tiền: MIG tăng trần, BVH ‘đầu tàu’ kéo VN-Index
BVH là "đầu tàu" kéo tăng chỉ số VN-Index

Trong báo cáo hồi tháng 5, Chứng khoán Mirae Asset cho biết tiềm năng của ngành bảo hiểm từ việc được Chính phủ quan tâm và phát triển. Theo đó, Chính phủ đặt ra 2 mục tiêu lớn có liên quan đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm.

Đầu tiên, Chính phủ đặt mục tiêu 15% dân số sẽ tham gia mua bảo hiểm nhân thọ vào năm 2025 (so với năm 2023 chỉ đạt 12%). Bên cạnh đó, tỷ lệ thâm nhập của tổng doanh thu phí bảo hiểm (GWM) nhân thọ và phi nhân thọ được kỳ vọng sẽ đạt 3,5% GDP vào năm 2025.

Trải qua khó khăn năm 2023, tỷ lệ GWM của Việt Nam đã sụt giảm từ 2,67% trong năm 2022 xuống mức 2,31% vào cuối 2023, như vậy mục tiêu 3,5% trong năm 2025 khả năng cao sẽ không thể hoàn thành.

Cổ phiếu bảo hiểm đón dòng tiền: MIG tăng trần, BVH ‘đầu tàu’ kéo VN-Index
Theo Mirae Asset cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế, tiềm năng phát triển của ngành Bảo hiểm vẫn còn rất lớn (Nguồn: Mirae Asset)

“Tuy nhiên việc đề ra mục tiêu trên cho thấy ngành bảo hiểm là một trong những ngành được Chính phủ quan tâm và tạo điều kiện tăng trưởng”, Chứng khoán Mirae Asset nhận định.

Bên cạnh đó, chuyên gia chỉ ra, theo thống kê của OECD vào năm 2022, tỷ lệ GWM tại các quốc gia phát triển như Mỹ có thể lên tới 12%. Một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Malaysia cũng ghi nhận tỷ lệ này lần lượt là 9,65% và 4,46%. Như vậy cùng với triển vọng tăng trưởng kinh tế, tiềm năng phát triển của ngành bảo hiểm vẫn còn rất lớn.