VN-Index đóng cửa phiên 26/2 ngay sát mốc 1.225 điểm. Thanh khoản trên cả 3 sàn đạt 23.500 tỷ đồng. Tâm điểm giao dịch tập trung ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, thủy sản, thép...

Phiên này, trạng thái tích cực được phát động bởi các cổ phiếu sản xuất (bao gồm phân bón/hóa chất, thủy sản, thép...) trước khi lan sang nhóm chứng khoán trong phiên chiều. Các cổ phiếu DGC, HCM, FTS, VHC, IDI, ANV, ASM... cùng tăng hết biên độ.

Trong khi đó, tại rổ VN30, trạng thái phân hóa vẫn diễn ra ở nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, một số mã lớn như CTG, HPG, VRE, TCB, SSI, BID, FPT, GVR ghi nhận mức tăng từ 1-4,5%. Thậm chí cổ phiếu BID với mức tăng 3,1% và FPT tăng 3,9% cùng nhau thiết lập mức đỉnh giá mới, lần lượt 53.600 đồng/cp và 108.000 đồng/cp.

Cổ phiếu BID, FPT tiếp tục phá đỉnh, ngày mai 35.200 tỷ đồng về tài khoản nhà đầu tư
Diễn biến giá cổ phiếu BID và FPT

Ngay trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch 2024, tín hiệu chốt lời ở nhiều mã ngân hàng phần nào khiến giới đầu tư lo lắng. Một số chuyên gia cũng đồng tình quan điểm rằng tới đây, nhịp tăng ngắn hạn của nhóm trụ bank sẽ kết thúc khi nhiều cổ phiếu đã tăng 20-50% giá trị chỉ sau hơn 2-4 tháng.

Với luận điểm này, VN-Index có thể chuyển trạng thái sang tích lũy trước vùng cản 1.230-1.250 điểm trước khi tiếp tục đi lên. Các khuyến nghị ưu tiên chốt lời bảo vệ thành quả, hạn chế margin với một số nhóm đầu cơ cũng được phát đi.

Tuy nhiên, cho mục tiêu trung/dài hạn, việc chờ thị trường điều chỉnh để mua tích lũy là hoàn toàn khả dĩ.

Trước mắt, phiên chiều mai (27/2), hơn 35.200 tỷ đồng được sang tay trong phiên VN-Index giảm 15,3 điểm cuối tuần trước sẽ về tài khoản nhà đầu tư. Đây là mức cao nhất từ nửa cuối tháng 9/2023. Trong số này, riêng nhóm VN30 ghi nhận giá trị giao dịch gần 14.900 tỷ đồng.

Nếu xét theo các nhóm ngành, hơn 9.300 tỷ đồng sẽ về nhóm ngân hàng, 6.360 tỷ ở nhóm bất động sản, 4.840 tỷ ở nhóm chứng khoán...