Đạm Phú Mỹ (DPM): Khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu 41.500 đồng/cp
Chứng khoán Vietcap nâng giá mục tiêu đối với cổ phiếu DPM thêm 12,2%, lên mức 41.500 đồng/cp và giữ nguyên khuyến nghị khả quan. Mức điều chỉnh này chủ yếu dựa trên kỳ vọng tăng trưởng lãi ròng giai đoạn 2025–2029 thêm gần 10%, nhờ giá bán urê tăng trung bình 7,8% – theo đà hồi phục của giá urê Trung Đông.
Vietcap dự báo lợi nhuận của DPM năm 2025 sẽ tăng 69% so với năm trước, nhờ vào 3 yếu tố chính: Giá khí đầu vào giảm, giá bán urê tăng và lợi nhuận mảng NPK cải thiện mạnh mẽ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ chính sách thuế GTGT ưu đãi 5% và nền tài chính vững mạnh – với 7.400 tỷ đồng tiền mặt ròng, tương đương 65% vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý I/2025.
![]() |
Vietcap dự phóng các chỉ tiêu tài chính của DPM giai đoạn 2025-2027 |
Với định giá P/E dự phóng năm 2025 ở mức 20,2 lần, tương ứng PEG chỉ 0,5 – mức hấp dẫn so với tăng trưởng EPS dự kiến 42% trong giai đoạn 2025–2027. Chính sách cổ tức tiền mặt duy trì ổn định ở mức 2.000 đồng/cp năm 2025 và dự kiến lên 3.000 đồng/cp vào năm 2027 (lợi suất lần lượt 5,1% và 7,7%).
Đạm Cà Mau (DCM): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 40.700 đồng/cp
Vietcap cũng nâng giá mục tiêu DCM lên 40.700 đồng/cp, đồng thời giữ nguyên khuyến nghị mua. Giá bán urê tăng 6,1% giúp dự báo tổng lợi nhuận mảng urê của Đạm Cà Mau giai đoạn 2025–2029 tăng thêm 15%. Lãi ròng năm 2025 dự kiến tăng 21%, trong đó lợi nhuận từ mảng urê tăng 15% và mảng NPK tăng gấp 2,4 lần, nhờ sản lượng bán tăng và chi phí khí giảm.
![]() |
Vietcap dự phóng các chỉ tiêu tài chính của DCM giai đoạn 2025-2027 |
Tính riêng trong nửa đầu năm 2025, sản lượng bán NPK đạt 116.000 tấn, tăng 51% so với cùng kỳ và hoàn thành 53% kế hoạch năm – cho thấy tiềm năng quay lại giành thị phần từ các sản phẩm NPK giả, vốn là vấn đề lớn của ngành trong các năm trước.
DCM cũng đang đẩy mạnh đầu tư dài hạn với 3 dự án lớn: (1) Mảng khí và hóa chất công nghiệp với vốn đầu tư 200 triệu USD, (2) cảng và nhà máy tại Nhơn Trạch trị giá 3.400 tỷ đồng nhằm tối ưu logistics và (3) cơ sở sản xuất CO2 cấp thực phẩm. Tuy chưa được đưa vào mô hình định giá, nhưng các dự án này sẽ tạo động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Với P/E dự phóng năm 2025 là 11,3 lần và EV/EBITDA 5,0 lần (thấp hơn 13% so với trung bình ngành), cổ phiếu DCM được đánh giá là hấp dẫn, đặc biệt trong bối cảnh mảng NPK kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận với CAGR lên tới 58%, đạt 770 tỷ đồng vào năm 2029, chiếm 33% tổng lợi nhuận của doanh nghiệp.
PTSC (PVS): Khuyến nghị mua, giá mục tiêu 39.700 đồng/cp
FPTS khuyến nghị mua cổ phiếu PVS với giá mục tiêu 39.700 đồng/cp, cao hơn 15% so với giá đóng cửa ngày 21/7/2025. Mảng xây lắp – vốn chiếm khoảng 66% doanh thu – được kỳ vọng tiếp tục là động lực tăng trưởng chính nhờ backlog hiện tại lên tới 5,8 tỷ USD. Trong đó, riêng dự án Lô B mang về hợp đồng tổng thầu trị giá 1,3 tỷ USD sẽ là trọng tâm ghi nhận doanh thu trong năm 2026–2027.
![]() |
Tiến độ cập nhật của các dự án dầu khí trọng điểm tại Việt Nam |
PVS cũng sở hữu mảng kho nổi (FSO) ổn định, dự kiến đóng góp trung bình 807 tỷ đồng lãi sau thuế liên kết mỗi năm trong giai đoạn 2025–2030 – tương ứng 40% tổng lợi nhuận sau thuế.
Ngoài ra, PVS đang chuẩn bị mở rộng thêm 3 mảng chiến lược: Kho nổi FRSU nhập khẩu LNG, xây lắp nhà máy điện hạt nhân và đầu tư điện gió ngoài khơi xuất khẩu sang Singapore. Tuy chưa có dữ liệu định lượng cụ thể, các mảng này được đánh giá sẽ mở ra tiềm năng tăng trưởng dài hạn.
Biên lợi nhuận gộp toàn mảng xây lắp được kỳ vọng cải thiện lên 2,7% vào năm 2027, khi tỷ trọng dự án điện gió và dầu khí tăng lên. Rủi ro chính của PVS nằm ở khả năng chậm trễ tiến độ các dự án năng lượng tái tạo và mức giá thuê kho nổi có thể giảm do nhiều hợp đồng dài hạn đã hết hiệu lực và đang phải đàm phán từng năm.