Cổ phiếu KDH của CTCP Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền (sàn HOSE) trôi dần về cuối phiên sáng 30/9/2022 với việc biên độ giảm giá không ngừng được nới rộng. Mã kết phiên này với mức giảm lớn nhất rổ VN30 với mức 4,7%

Đã bao lâu rồi nhà đầu tư không được chốt lời cổ phiếu KDH?

Đâu đó cũng đã nửa tháng nay. Chính xác hơn, kể từ phiên tăng gần nhất ngày 12/9 kéo thị giá lên mức 35.800 đồng, tính đến hiện tại, đã 14 phiên ròng cổ phiếu KDH chưa biết đến "mùi chiến thắng"; mã giảm tới 11 phiên cùng 3 phiên đứng tham chiếu.

Sau hơn nửa tháng, thị giá cổ phiếu KDH giảm tới 23% về mức 27.600 đồng (kết phiên sáng 30/9/2022). Trong giai đoạn này, sự sốt ruột trong việc giữ hàng khi cổ phiếu liên tục lao dốc đã thúc đẩy các hoạt động bán cắt lỗ của cổ đông KDH.

Cùng với đó, một số nhà đầu tư đứng ngoài cuộc cũng bắt đầu bắt đáy cổ phiếu bất động sản này.

Theo ghi nhận, từ mức chỉ 1.000 - 1.500 lệnh đặt mua bán/phiên, những phiên gần đây, thanh khoản cổ phiếu KDH đã liên tục tăng mạnh với hàng triệu cổ phiếu được khớp lệnh thành công.

Số lượng đặt lệnh mua bán cổ phiếu KDH nửa tháng trở lại đây

Tính từ mức đỉnh 56.800 đồng/cổ phiếu (ngày 6/1/2022), đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu KDH đã giảm hơn 51% thị giá, vốn hóa bốc hơi khoảng 20.700 tỷ đồng về mức 19.563 tỷ.

Diễn biến kém sắc cũng đã khiến cổ phiếu KDH cùng với SBT bị FTSE Rusell loại khỏi rổ chỉ số FTSE Vietnam Index (chỉ số tham chiếu của FTSE ETF).

Trước đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự báo KDH bị loại vì không đáp ứng tiêu chí thanh khoản, giá trị giao dịch trung bình trong 3 tháng <10% giá trị giao dịch trung bình của các mã trong FTSE Vietnam Allshare Index.

Tình hình kinh doanh...

Nửa đầu năm 2022, Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu chỉ 875 tỷ đồng - giảm sau so với mức 1.970 tỷ của cùng kỳ năm 2021; lãi sau thuế thu về đạt 635 tỷ đồng - lần lượt hoàn thành 22% và 48% kế hoạch.

Tính đến ngày 30/6/2022, công ty ghi nhận mức nợ phải trả tăng gấp hơn 2 lần so với hồi đầu năm lên mức 8.010 tỷ đồng. Trong cơ cấu nợ dài hạn, dư nợ trái phiếu là 300 tỷ đồng, dư nợ ngân hàng là 4.451 tỷ đồng và vay bên thứ ba 68,5 tỷ đồng.

KDH có kế hoạch phát hành ra công chúng 2.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp thời hạn 36 tháng, không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và không kèm chứng quyền với lãi suất cố định 9 - 10% trong quý II/2022 để giải phóng mặt bằng Khu đô thị Tân Tạo và triển khai dự án Classia và Privia. Tuy nhiên, kế hoạch này bị hoãn do công ty đã vay khoảng 2.000 tỷ đồng từ OCB với lãi suất 11 - 11,17%/năm trong 6 tháng 2022.

Đáng chú ý, một số dự án, tài sản liên quan đến các dự án Khu Dân cư Tân Tạo, Bình Trưng Đông, Khu dân cư Bình Hưng 11A, Dự án Thủy Sinh - Phú Hữu,... đã được Khang Điền dùng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay tại một số ngân hàng.

Tiến độ một số dự án:

khang-dien-1.jpg

Dự án Classia Khang Điền

- Dự án Classia đã mở bán vào quý III/2022 và dự kiến hoàn thành bán hàng và bàn giao dự án trong năm nay;

- Dự án chung cư tại quận Bình Tân (1,8 ha với hơn 1.000 căn hộ) được đổi tên thành Privia và dự kiến sẽ mở bán 1 - 2 block tùy theo tiến độ pháp lý vào nửa cuối 2022;

- Dự án Clarita có diện tích 5,8 ha tại TP. Thủ Đức với 159 căn thấp tầng. KDH sẽ san lấp mặt bằng và xây dựng hạ tầng vào cuối năm 2022;

- Dự án 11A (diện tích 16,4 ha) tại huyện Bình Chánh đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý và dự kiến sẽ san lấp mặt bằng vào quý IV/2022.

Cổ phiếu KDH còn triển vọng tăng giá?

Chuỗi giảm giá mạnh từ nửa cuối tháng 8 tới nay đã đẩy giá cổ phiếu KDH về mức thấp nhất kể từ cuối tháng 4/2021 đồng thời rơi mạnh khỏi các đường MA.

Đường MA20-50 hiện đã cắt xuống đường MA100 tại mức 36.2x đồng đồng thời các đường MA100-200 vẫn đang hướng xuống dưới cho thấy mức độ tiêu cực ít nhất là trong ngắn hạn của cổ phiếu này.

Nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng vào tình hình kinh doanh khả quan của Nhà Khang Điền trong 2 quý cuối năm song cần cân nhắc kỹ lượng trước các quyết định mua bán cổ phiếu KDH ở thời điểm hiện tại, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang diễn biến tiêu cực và khó lường.

[Chứng khoán cười] Nỗi niềm 92.000 cổ đông FLC - HAI trước "kỳ nghỉ dưỡng dài hạn"