Áp lực bán về cuối phiến khiến thị trường chứng khoán chuyển đỏ trở lại. VN-Index đóng cửa giảm gần 4,8 điểm còn 1.250 điểm.

Mức giảm không quá mạnh song áp lực bán tỏ ra áp đảo trên 2 sàn niêm yết với gần 480 mã giảm giá so với 159 mã tăng.

Sàn HoSE có tới 12 mã giảm sàn; nhiều gương mặt khớp lệnh hàng triệu đơn vị như KPF, TV2, GIL, POM, PSH, TSC, VTP, DLG. Bộ đôi EVF, SGR giảm cận sàn trong khi loạt cổ phiếu vừa và lớn cũng chịu áp lực bán mạnh như BSI (-5,3%), VRE (-4,5%), SIP (-4,4%), DGW (-4,1%), CTR (-3,9%), FRT (-3,4%), DGC (-3,1%)... Nhóm TCH, VIX, VND, DPM, STB, IDI... cũng giảm trên 1,5%.

Phiên này, nỗi buồn còn ghi nhận ở cổ phiếu Novaland (NVL).

Từng có thời điểm tăng tới 3,6%, NVL đóng cửa giảm 1,1% về mức thấp nhất phiên (18.100 đồng/cp) khiến hơn 90% số giao dịch mua vào trong phiên đều bị "hớ". Lực bán đảo chiều xuất hiện ngay sát giờ nghỉ. Gần 50 triệu cổ phiếu đã được sang tay trong đó phe mua/bán diễn ra tương đối cân bằng.

Phiên 8/4 đã là phiên giao dịch thứ 3 liên tiếp cổ phiếu NVL xuất hiện các pha rút đỉnh nến.

Cổ phiếu Novaland (NVL): 3 phiên liên tiếp cứ ATC là rút đỉnh, phe T+ liên tục 'mua hớ'
Chiều mai 9/4, hơn 108 triệu cổ phiếu NVL sẽ về tài khoản nhà đầu tư trong phiên T+2

Trước đó, trong phiên đầu tiên được giao dịch margin trở lại ngày 4/4, cổ phiếu NVL đóng cửa tăng 1,7% (có thời điểm tăng 4,1% lên mức 17.900 đồng/cp). Pha rút chân về cuối phiên khiến gần 83% cổ đông NVL (tính theo % khối lượng mua vào) lỗ ngay 0,3-2,4%. Chỉ hơn 3,7% số mua vào có được niềm vui trong phiên tăng của cổ phiếu Novaland.

Sang phiên 5/4, cổ phiếu NVL tăng thêm 4,6% lên mức 18.300 đồng/cp. Dù vậy, nhiều nhà đầu tư đã tạm lỗ khi mã thu hẹp biên độ từ mức giá trần. Hàng chục lệnh giao dịch cá mập (trung bình trên 7 tỷ đồng/lệnh) đã được ghi nhận.