Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Cạnh tranh Nam Phi (DTIC) vừa ban hành quyết định áp dụng thuế tự vệ đối với mặt hàng thép cán nóng (HRC) nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 5/5. Động thái này được đưa ra sau khi Ủy ban Quản lý Thương mại Quốc tế Nam Phi (ITAC) kết luận rằng việc áp thuế là cần thiết để ứng phó với làn sóng nhập khẩu gia tăng đột biến, vốn đang gây tổn hại nghiêm trọng cho ngành thép nội địa.

Theo thông báo được đăng trên Công báo Chính phủ, ITAC cho biết lượng thép cán nóng nhập khẩu vào Nam Phi đã tăng mạnh 105% trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023. Đáng chú ý, gần một nửa trong số này đến từ Trung Quốc (chiếm 49,1%), tiếp theo là Liên minh châu Âu (EU) với 22% và Hoa Kỳ với 6,7%.

Trên cơ sở đó, ITAC đã kiến nghị DTIC áp dụng biện pháp thuế tự vệ theo lộ trình giảm dần trong vòng ba năm. Cụ thể, mức thuế sẽ là 13% trong năm đầu tiên, giảm xuống 11% vào năm thứ hai và còn 9% vào năm thứ ba. Biện pháp này được áp dụng với tất cả các quốc gia, ngoại trừ những nước đang phát triển có khối lượng xuất khẩu thép cán nóng sang Nam Phi không vượt quá 3% tổng lượng nhập khẩu, hoặc không vượt quá 9% tổng lượng nhập khẩu khi tính gộp các nước.

ITAC nhấn mạnh rằng việc áp dụng thuế tự vệ là nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không công bằng từ bên ngoài, đồng thời ngăn chặn làn sóng nhập khẩu đột biến có nguy cơ đe dọa hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho các doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, ủy ban này cũng khẳng định rằng đây chỉ là các biện pháp tạm thời, nhằm tạo "khoảng đệm" để ngành công nghiệp thép trong nước có thời gian điều chỉnh và tăng cường năng lực cạnh tranh.

Công xưởng thép châu Phi ra quyết định siết chặt nguồn HRC nhập khẩu, Hòa Phát và Formosa có gặp nguy?
Nam Phi áp thuế tự vệ thép cuộn cán nóng nhập khẩu

Liên quan đến Việt Nam, theo dữ liệu từ Volza, trong giai đoạn từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 7 lô hàng thép HRC sang Nam Phi. Mặc dù không có số liệu cụ thể về khối lượng, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang Nam Phi được đánh giá là khá nhỏ nếu so với các thị trường xuất khẩu chính khác của Việt Nam như Hoa Kỳ, Ý, Ấn Độ...

Hiện nay, tại Việt Nam, chỉ có Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Formosa là 2 doanh nghiệp có đủ năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng. Trong bối cảnh các rào cản thương mại từ các quốc gia nhập khẩu ngày càng gia tăng và nhu cầu nội địa có dấu hiệu thiếu hụt, các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là Hòa Phát đã đẩy mạnh đầu tư mở rộng công suất, xây dựng thêm nhà máy để tăng nguồn cung HRC cho thị trường nội địa. Song song đó, doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm và mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới nhằm phân tán rủi ro.

"Quan điểm của chúng tôi là đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường quá lớn để hạn chế tác động từ các biện pháp phòng vệ thương mại nếu phát sinh. Hiện nay, chúng tôi đã xuất khẩu sang khoảng 40 quốc gia và duy trì tỷ trọng hợp lý tại từng thị trường", CEO Hòa Phát chia sẻ.

Cộng hòa Nam Phi là quốc gia sản xuất thép lớn nhất ở khu vực hạ Sahara, đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp thép của châu Phi. ArcelorMittal South Africa (AMSA) là nhà sản xuất thép hàng đầu tại đây, với trụ sở chính tại Vanderbijlpark, tỉnh Gauteng. Theo dữ liệu từ AMSA, công ty có công suất sản xuất thép lỏng lên tới 7 triệu tấn mỗi năm, tương đương khoảng 5,5 triệu tấn sản phẩm thép tiêu thụ được. AMSA cung cấp hơn 60% lượng thép sử dụng trong nước và xuất khẩu phần còn lại sang các quốc gia khác ở châu Phi và quốc tế.