3124-cang-bien
Hình minh họa

Động lực cho đà tăng giá đến từ những kỳ vọng về bối cảnh thuận lợi trong các tháng cuối năm bởi hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trở lại, tình trạng khan hiếm container rỗng, giá cước tàu biển hồi phục mạnh, giá dịch vụ tại cảng tăng…

Do tình trạng thiếu container ở châu Á, chi phí vận chuyển hàng bằng container đang tăng vọt. Theo Shanghai Shipping Exchange, tính đến giữa tháng 11/2020, chi phí vận chuyển một container 20 feet từ Thượng Hải đến Singapore là khoảng 802 USD, tăng 370% so với tháng trước. Số liệu của Descartes Datamyne cho thấy chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Thượng Hải tới Mỹ cũng vẫn cao kỷ lục là 3.913 USD kể từ tháng 7.

Tình trạng thiếu hụt còn đến từ việc kiểm soát container rỗng của hãng tàu depot chưa tốt. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) mới đây cho thấy có đến 40% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong việc giao nhận container rỗng tại các nơi tập kết (khi chủ hàng đến nhận mới được thông báo báo là chưa có). 43% doanh nghiệp cho biết là do lượng đặt chỗ với hãng tàu cho thuê container rỗng vượt số lượng cho phép. 17% do bộ phận kinh doanh chưa tiếp cận thuê container rỗng được từ hãng tàu.

Trong 11 tháng, Việt Nam ghi nhận mức xuất siêu kỷ lục hơn 20 tỷ USD; trong đó tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 5,3% đạt 254,6 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu tăng 1,5% lên 234,5 tỷ USD. Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc đều tăng trưởng lần lượt 25,7% và 16%.

Cuối năm thường là mùa cao điểm xuất khẩu dẫn đến tình trạng các hãng tàu thiếu container rỗng. Đặc biệt trong năm 2020, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cán cân xuất nhập khẩu, tắc nghẽn hàng hóa càng khiến việc thiếu hụt container trở nên phức tạp hơn.

Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic (BDI) đã hồi phục đáng kể so với mức đáy hồi tháng 5, tính từ đầu năm chỉ số này đã tăng 26% lên 1.230 điểm. Đây là chỉ số được công bố hàng ngày để đánh giá mức phí thuê tàu hàng rời, dựa trên các tuyến vận tải riêng biệt). Dù có cải thiện, BDI vẫn đang ở vùng thấp dưới 2.000 điểm từ 2010 đến nay, chỉ số này từng đạt đỉnh 11.500 điểm năm 2008.

Một yếu tố khác là giá dịch vụ bốc dỡ container tại Việt Nam, đặc biệt cho hàng xuất nhập khẩu vẫn đang thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Theo VietinBank Securities, giá bốc xếp cảng Việt Nam chỉ đang bằng 45-80% so với Hong Kong, Singapore hay Malaysia… thậm chí thấp hơn cảng Phnom Penh tại Campuchia.

Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2018/TT-BTC về biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam

Theo mục tiêu đến năm 2025, giá xếp dỡ container xuất nhập khẩu tại cảng biển Việt Nam cần phải bằng 60 – 70% so giá xếp dỡ trong khu vực.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có góp ý tăng giá dịch vụ bốc dỡ container theo lộ trình. Theo đó, các cảng khu vực I sẽ tăng 10%/năm giai đoạn 2021-2023; Khu vực II và Lạch Huyện tăng 10%/năm giai đoạn 2022-2023; Khu vực Cái Mép – Thị Vải tăng 10% năm 2021 và tăng tiếp 10% vào năm 2023.

Việc nâng giá sàn phí bốc dỡ container ở các khu vực cảng lớn sẽ giúp nhiều công ty cảng biển cải thiện giá dịch vụ và tăng thêm nguồn thu. Như VietinBank Securities dự báo giá bốc xếp tại Cảng Đoạn Xá sẽ tăng 18% trong năm 2020 và tiếp tục xu hướng tăng trong các năm tới. Hay Chứng khoán Bản Việt dự báo giá dịch vụ trung bình của các cảng thuộc Gemadept tăng thêm 3% giai đoạn 2021-2023.

Tín hiệu hồi phục từ quý III

Tín hiệu khả quan của doanh nghiệp cảng biển đã bắt đầu ngay cả trong quý III. Nhiều đơn vị có kết quả tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận như Cảng Cát Lái (CLL), Cảng Đồng Nai (PDN), Tân Cảng Logistics, Tân Cảng Long Bình, Cảng Hải Phòng (PHP), Cảng Đoạn Xá…

Một số công ty có mức giảm doanh thu trong quý III như Viconship, Gemadept, Tổng công ty Hàng Hải (MVN)… Tuy nhiên mức doanh thu này đã có cải thiện nhiều so với quý II, dù rằng quý III không phải cao điểm của ngành cảng biển. Với các triển vọng mới, nguồn thu quý cuối năm dự kiến sẽ càng lớn hơn.

3138-cang-bien
Doanh thu nhiều công ty cảng biển bắt đầu tăng trưởng và được cải thiện so với quý II.