Ngày 9/4, Mỹ tuyên bố tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hầu hết các đối tác, ngoại trừ Trung Quốc.

Đến ngày 12/5, Trung Quốc đã đạt thỏa thuận sơ bộ với Mỹ tại Geneva. Theo đó, Mỹ sẽ giảm thuế đối ứng với hàng hóa Trung Quốc từ 145% xuống 30%, trong khi Trung Quốc giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10%.

Động thái này cho thấy căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong sáu quốc gia đầu tiên được Mỹ ưu tiên đàm phán. Hiện, Việt Nam chưa có thông tin chính thức nào về kết quả ban đầu.

Trao đổi với Đài Hà Nội về những lợi thế của Việt Nam, TS. Vũ Thành Tự Anh – Trường Chính sách công và quản lý Fulbright – Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, thứ nhất, chúng ta tin vào những gì đang có. Chẳng hạn sản phẩm Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Hoa Kỳ, không sản xuất những sản phẩm Hoa Kỳ đang xuất khẩu cho cả thế giới.

Thứ hai, một yếu tố quan trọng nữa là vị trí địa chính trị của Việt Nam. TS. Vũ Thành Tự Anh tin rằng Mỹ cũng mong muốn có một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Do đó, ông cho rằng, Mỹ đánh gia cao và hiểu được tầm quan trọng của địa chính trị Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam là quốc gia đã hợp tác với Mỹ rất hiệu quả trong nhiều vấn đề. TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, Mỹ không chỉ quan tâm thâm hụt thương mại mà còn là vấn đề gian lận thương mại, thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, tất cả vấn đề này đều đã được đặt lên bàn và Việt Nam thể hiện tinh thần hợp tác cùng những bước đi thích hợp, mạnh mẽ.

Ông Vũ Thành Tự Anh khẳng định, với 3 điều kiện trên, khả năng chúng ta sẽ đạt được một thỏa thuận hợp lý cho Việt Nam. Không thể nói có lợi hay có hại nhưng hợp lý để chúng ta không bị tổn thất quá nhiều về thương mại, dẫn đến ảnh hưởng GDP cũng như công ăn việc làm và tương lai của đất nước.

Đàm phán với Mỹ: Việt Nam có gì trong tay?
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Việt Nam đã rất tích cực trong việc đàm phán với Mỹ. Sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế quan mới vào ngày 2/4/2025, tối ngày 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald J. Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, gần đây, trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với các Bộ, ngành nhằm đánh giá tình hình thương mại trong bối cảnh mới và tình hình đàm phán thương mại cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ.

Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị kỹ phương án, đàm phán hiệu quả với Hoa Kỳ với phương châm “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và trên tinh thần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của Việt Nam, nhất là các lợi ích cốt lõi; đồng thời đáp ứng các yêu cầu phù hợp của phía Hoa Kỳ; hướng tới thương mại cân bằng, bền vững; bảo đảm các nội dung đàm phán với Hoa Kỳ không làm ảnh hưởng đến các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Thủ tướng chỉ đạo chuẩn bị kỹ các nội dung đàm phán. Cùng với đó, các Bộ, ngành kịp thời xử lý các vấn đề phía Hoa Kỳ quan tâm; tiếp tục tăng cường nhập khẩu các thiết bị, mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu để từng bước cân bằng thương mại bền vững; giải quyết nhanh các thủ tục hành chính, các vấn đề mà phía Hoa Kỳ và doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm liên quan vấn đề thuế VAT, các dự án đầu tư tại Việt Nam, trên tinh thần hài hòa lợi ích các bên, phù hợp với luật pháp Việt Nam...