Vừa qua, Chính phủ nhiều lần yêu cầu đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế tư nhân. Bởi, khu vực kinh tế này đang trở thành một trong những trụ cột cho nền kinh tế.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, ngoài sự sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì doanh nghiệp tư nhân cũng cần chủ động đổi mới tư duy, đầu tư vào năng lực quản trị và chiến lược dài hạn
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số, ngoài sự sự hỗ trợ một phần của Nhà nước thì doanh nghiệp tư nhân cũng cần chủ động đổi mới tư duy, đầu tư vào năng lực quản trị và chiến lược dài hạn

Vướng mắc lớn nhất của kinh tế tư nhân là thể chế

Cuối tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 47 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2025. Trong Công điện này, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế tư nhân trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng các giải pháp đột phá, cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích, thúc đẩy, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển kinh tế tư nhân.

Trên thực tế, Chính phủ đã nhiều lần yêu cầu đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế tư nhân. Bởi, khu vực kinh tế này đang trở thành một trong những trụ cột cho nền kinh tế, đóng góp tới một nửa GDP và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tư nhân cho rằng, vướng mắc lớn nhất là về thể chế, pháp luật, đặc biệt có yếu tố liên quan tới niềm tin của doanh nghiệp tư nhân khi bỏ vốn đầu tư kinh doanh và muốn có sự đảm bảo về quyền về tài sản, quyền tự do kinh doanh.

Theo báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, nhiều doanh nghiệp tư nhân cho rằng quy trình thủ tục hành chính hiện nay dài dòng, không rõ ràng, và chi phí phát sinh từ việc thực hiện thủ tục thuế, xây dựng, và giải thể đã khiến họ gặp nhiều trở ngại hơn trong việc duy trì và tái cấu trúc hoạt động.

Đặc biệt, thời gian trung bình để hoàn tất thủ tục cấp phép xây dựng tại Việt Nam đang cao hơn đáng kể so với giai đoạn trước, gây ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp phản ánh tình trạng không đồng bộ trong quy trình thủ tục hành chính giữa các cơ quan và địa phương. Điều này tạo ra sự thiếu nhất quán trong việc thực thi các quy định pháp luật, khiến doanh nghiệp phải đối mặt với các quy trình chồng chéo, phức tạp.

Do đó, doanh nghiệp tư nhân rất cần sự hỗ trợ và đồng hành từ cơ quan quản lý nhà nước để tiếp tục phục hồi trong giai đoạn khó khăn.

Cần ưu đãi vượt trội khuyến khích hộ kinh doanh

Góp ý cho dự thảo Nghị quyết về kinh tế tư nhân để trình Chính phủ và Trung ương, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (nay là Viện Nghiên cứu chính sách và Chiến lược, thuộc Ban Chính sách, chiến lược Trung ương) cho rằng, cần nhanh chóng chuyển đổi hệ thống pháp luật theo hướng đảm bảo tự do kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, mở rộng và kiến tạo cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, cần tăng cường hỗ trợ, có ưu đãi vượt trội để khuyến khích phát triển hộ kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ các chiến lược, định hướng và giải pháp nhằm sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh minh họa)

Cần ưu đãi vượt trội khuyến khích hộ kinh doanh.

TS. Nguyễn Đình Cung cũng kiến nghị xây dựng khung khổ pháp lý tạo kênh huy động và tiếp cận vốn đầu tư trung và dài hạn (ngoài tín dụng), tiếp cận đất đai, nghiên cứu phát triển và công nghệ cho doanh nghiệp tư nhân. Cải cách hoạt động tư pháp, rút ngắn tối đa thời gian, giảm tối đa chi phí, đảm bảo minh bạch, công bằng trong giải quyết tranh chấp hợp đồng, giảm thiểu rủi ro pháp lý, nhất là rủi ro hình sự, để người dân và doanh nghiệp an tâm đầu tư.

Được biết, Bộ Tài chính là cơ quan được giao để chắp bút dự thảo Nghị quyết về kinh tế tư nhân để trình Chính phủ và Trung ương.

Theo đại diện Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể, Bộ Tài chính, Dự thảo Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân lần này sẽ có nhiều giải pháp mạnh và cụ thể về cải cách thể chế, chính sách tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là đất đai, tài chính cho khu vực tư nhân.

Điểm đột phá của Dự thảo Nghị quyết lần này là thiết kế chính sách theo hướng phân tầng, phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp. Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên tinh thần tổng hợp 4 nhiệm vụ được Trung ương giao cho Bộ Tài chính, trong đó tổng kết Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân năm 2017; tổng hợp Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đề án về phát triển doanh nhân Việt Nam.

“Dự thảo sẽ đưa ra nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn vươn lên dẫn dắt nền kinh tế, tham gia các dự án trọng điểm, phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cung ứng; có các chính sách mạnh mẽ cho hộ kinh doanh để họ hiểu rõ hơn về khung pháp lý, hoạt động minh bạch hơn, gần với mô hình doanh nghiệp”, đại diện Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp tư nhân và Kinh tế tập thể nhấn mạnh.