Ngày 24/7, Chủ tịch Hồ Minh Hoàng đã dẫn đầu đoàn công tác của Tập đoàn Đèo Cả đến làm việc với Trường Đại học Xây dựng Miền Tây.

Buổi làm việc nhằm chia sẻ và trao đổi về những tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo, hướng tới phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp và ngành hạ tầng giao thông nói chung.

Đèo Cả bất ngờ đề xuất mở 'lò đào tạo' nhân lực cho đại dự án đường sắt 67 tỷ USD
Buổi làm việc nhằm chia sẻ và trao đổi về những tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo. Nguồn: Tập đoàn Đèo Cả

Trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, giai đoạn 2025-2030 đặt mục tiêu hoàn thành thêm 2.000km đường bộ cao tốc và triển khai đầu tư 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 2.362km. Điều này đòi hỏi nguồn kỹ sư được đào tạo bài bản, sát thực tế và có thể đáp ứng yêu cầu công việc ngay khi ra trường.

Theo định hướng tăng trưởng đến năm 2030, Tập đoàn Đèo Cả đặt mục tiêu mỗi năm đào tạo khoảng 1.000 học viên, bao gồm cả nội bộ và đối tác. Chủ tịch Hồ Minh Hoàng kỳ vọng có thể hợp tác cùng Trường Đại học Xây dựng Miền Tây trong việc đào tạo, đặc biệt là xây dựng mô hình “kỹ sư thực chiến”.

Tập đoàn cũng đề xuất thành lập Trung tâm hoặc Khoa đào tạo gắn với nhu cầu thực tiễn, xây dựng chương trình giảng dạy chú trọng đến kỹ năng thực hành – thực chiến. Sinh viên sẽ có cơ hội kiến tập, thực tập và tham gia học kỳ doanh nghiệp tại các dự án do Đèo Cả triển khai. Những sinh viên có kết quả học tập tốt sẽ được xem xét cấp học bổng và tuyển dụng sau khi tốt nghiệp.

Về chương trình và giáo trình đào tạo, Tập đoàn Đèo Cả sẽ cử cán bộ có kinh nghiệm và mời chuyên gia cùng tham gia góp ý, cải tiến để sát với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, chú trọng tăng thời gian thực hành. Bên cạnh đó, Đèo Cả đề xuất nhà trường nghiên cứu mở ngành học mới như đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, quản lý vận hành…

Được biết, Tập đoàn Đèo Cả đang hướng đến các siêu dự án giao thông quy mô quốc gia như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (67 tỷ USD), các tuyến metro, đặc biệt là đại lộ ven sông Hồng.

Từ tháng 11/2024, Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Huy cho biết Đèo Cả đã chuẩn bị kỹ lưỡng để tham gia các dự án này. Doanh nghiệp khai giảng hai khóa đào tạo chuyên ngành đường sắt cho 200 kỹ sư, thành lập trung tâm huấn luyện tại công trường nhằm đào tạo công nhân kỹ thuật thực địa, với các nội dung về an toàn lao động, môi trường và công nghệ thi công tiên tiến.

Về công nghệ, Đèo Cả đã tổ chức các đoàn công tác sang Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu để học hỏi mô hình, đồng thời mời gọi hợp tác quốc tế. Mục tiêu là từng bước chuyển đổi số và sản xuất đầu máy, toa xe trong nước, tiến tới làm chủ chuỗi cung ứng thiết bị đường sắt.

Ông Huy đề xuất chia nhỏ gói thầu đường sắt tốc độ cao thành hai hợp phần: Phần hạ tầng (cầu, hầm, đường) giao cho doanh nghiệp trong nước theo hình thức chỉ định thầu; phần đầu máy, tín hiệu… nên thực hiện liên danh với đối tác nước ngoài, nhằm tiếp cận công nghệ mới và từng bước làm chủ vận hành.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết của hành lang pháp lý đầy đủ và hệ thống tiêu chuẩn quốc gia để đẩy nhanh tiến độ, kiểm soát chi phí và thúc đẩy nội địa hóa trong các công trình hạ tầng chiến lược.