Tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2025 diễn ra sáng 1/7, Giám đốc Sở Tài chính Nghệ An Trịnh Thanh Hải cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng quan trọng cho mục tiêu cả năm. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn so với kịch bản đề ra, đặt ra nhiều thách thức cho giai đoạn còn lại của năm.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2025 của Nghệ An đạt 8%, quý II ước đạt 10,25%, đưa mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm lên 9,25%. Đây là mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Dù vậy, con số này vẫn chưa đạt yêu cầu theo kịch bản tăng trưởng 10,5% của cả năm.
Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ đỡ với tổng diện tích gieo trồng vụ Đông Xuân đạt hơn 181.000ha, sản lượng lương thực ước đạt trên 633.000 tấn. Đàn gia cầm tăng 7,84%, công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai hiệu quả. Trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ số sản xuất toàn ngành 6 tháng tăng 14,67% so với cùng kỳ. Ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ, đón khoảng 6,2 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt gần 18.839 tỷ đồng, tăng 13%.
Về tài chính ngân sách, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 13.159 tỷ đồng, bằng 74,2% dự toán năm và 108,5% so với cùng kỳ năm trước. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 26.568 tỷ đồng, đạt 63,3% dự toán. Đầu tư công đạt kết quả khả quan với hơn 3.632 tỷ đồng đã giải ngân, bằng 36,31% kế hoạch năm và hơn 40% kế hoạch vốn đã giao. Cùng thời điểm, toàn tỉnh có 1.528 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 44,56%, với tổng vốn đăng ký hơn 12.526 tỷ đồng.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Nghệ An nhận định tốc độ tăng trưởng hiện tại chưa đủ để đảm bảo mục tiêu cả năm. Một số lĩnh vực sản xuất – kinh doanh còn khó khăn, nhiều dự án trọng điểm chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các công trình như quốc lộ 7, quốc lộ 46, tuyến ven biển, hồ chứa nước Bản Mồng hay các khu công nghiệp lớn như VSIP 1, WHA 1, Hoàng Mai II…
![]() |
Nghệ An thu ngân sách đạt 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm |
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hồng Vinh yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục bám sát kịch bản tăng trưởng, điều hành linh hoạt và tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, phân nhóm các dự án để điều chuyển vốn kịp thời.
Các ngành như xây dựng, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường được giao đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng trọng điểm như tuyến đường ven biển, hồ Bản Mồng và các khu tái định cư phục vụ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đi qua địa bàn.
Song song với việc điều hành phát triển kinh tế, tỉnh Nghệ An cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc sắp xếp lại bộ máy chính quyền hai cấp, đảm bảo quá trình chuyển đổi không làm gián đoạn các hoạt động đầu tư, phát triển và giải ngân vốn trong thời gian tới.
Với diện tích đạt 16.490,25km², Nghệ An từng là tỉnh lớn nhất Việt Nam trước sáp nhập, chiếm 3,2% diện tích cả nước. Tuy nhiên, từ ngày 1/7/2025, sau khi sáp nhập với Đắk Nông và Bình Thuận, tỉnh Lâm Đồng mới trở thành địa phương có diện tích lớn nhất Việt Nam, với 24.233,07km². |