Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) – nay đổi tên thành Tập đoàn Bảo hiểm DBV – do hàng loạt sai phạm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm xe cơ giới.
Tổng mức phạt lên tới 260 triệu đồng, trong đó vi phạm nghiêm trọng nhất là trích lập dự phòng không đúng quy định, bị xử phạt 180 triệu đồng. Ngoài ra, công ty bị phạt thêm 50 triệu đồng do chậm giải quyết bồi thường cho khách hàng, và 30 triệu đồng do báo cáo thông tin không đầy đủ, thiếu chính xác.
Theo kết luận thanh tra từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, trong năm 2023, VNI đã trích lập dự phòng sai sót trong nhiều trường hợp. Cụ thể:
Có tới 338 hồ sơ đã giải quyết bồi thường nhưng vẫn bị trích lập dự phòng hơn 1,3 tỷ đồng.
8 hồ sơ bồi thường có số tiền trích lập không phù hợp với tổn thất thực tế.
82 hợp đồng bảo hiểm chưa thực hiện trích lập dự phòng phí chưa được hưởng.
Hàng trăm hồ sơ bồi thường đã phát sinh yêu cầu từ năm 2023 nhưng chưa được trích lập dự phòng.
Đặc biệt, thời gian xử lý bồi thường chậm đáng kể. Kết quả kiểm tra ngẫu nhiên 5 hồ sơ cho thấy, có trường hợp kéo dài hơn 300 ngày, một số hồ sơ lên tới 544 ngày hoặc 607 ngày, trong khi quy định chỉ cho phép tối đa 15–30 ngày.
![]() |
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI). (Ảnh: TBTCO) |
Ngoài các sai phạm trong trích lập và chi trả, báo cáo tổng hợp nghiệp vụ năm 2023 của VNI cũng bị đánh giá là thiếu chi tiết, không đầy đủ dữ liệu về từng nghiệp vụ bảo hiểm cơ giới.
Theo báo cáo của chính doanh nghiệp, trong năm 2023, doanh thu từ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đạt hơn 625 tỷ đồng, trong đó:
Doanh thu từ xe máy là 110 tỷ đồng, nhưng chỉ bồi thường 4,4 tỷ đồng cho 66 hồ sơ – tương đương chưa tới 4% doanh thu.
Doanh thu từ ô tô là 514 tỷ đồng, chi trả cho 1.950 hồ sơ với số tiền hơn 104 tỷ đồng.
Tỷ lệ chi trả thấp, đặc biệt với xe máy – đối tượng phổ biến tại Việt Nam – khiến dư luận đặt câu hỏi về hiệu quả và công bằng trong hoạt động bảo hiểm.
Đầu tháng 5/2025, VNI đã đổi tên thành Tập đoàn Bảo hiểm DBV sau khi Bảo hiểm DB Hàn Quốc hoàn tất nâng sở hữu lên 75% vốn điều lệ. Dù có sự thay đổi về thương hiệu và cổ đông chi phối, các sai phạm nêu trên cho thấy những vấn đề tồn đọng từ trước vẫn còn chưa được xử lý dứt điểm.
Tính đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 4.867 tỷ đồng, giảm 5% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn, lên tới 55% tổng tài sản, tương đương 2.679 tỷ đồng.