Ngày 16/2, CTCP Thép Pomina (mã chứng khoán POM) chốt danh sách cổ đông tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường. Nội dung họp để thông qua phương án tái cấu trúc công ty. Đây là hành động mới nhất của Pomina sau loạt các tin không vui, từ cổ phiếu bị kiểm soát, đến kinh doanh ảm đạm…

Pomina - từ số 1 đến thua lỗ nợ nần - vì đâu nên nỗi?

Tại Pomina, nhiều năm gần đây nhà đầu tư có lẽ khó có thể nhớ được ai đang là Chủ tịch HĐQT công ty, nguyên nhân bởi chiếc ghế nóng thay đổi chủ nhân liên tục. Và các “sếp” lên nắm quyền cũng đều là các anh em nhà họ Đỗ.

Doanh nghiệp hôm nay: Pomina (POM) - hành trình từ số 1 đến nợ nần, liệu có ‘tái khởi’ thành công?
(Ảnh 3 anh em Đỗ Duy Thái, Đỗ Tiến Sĩ và Đỗ Xuân Chiểu)

Hiện tại ông Đỗ Duy Thái tiếp nhận vị trí Chủ tịch HĐQT từ tháng 2/2023, thay thế vị trí của ông Đỗ Tiến Sĩ đảm nhiệm trước đó từ tháng 6/2022. Đồng nghĩa, ông Tiến Sĩ chỉ ngồi ghế nóng chưa đến 1 năm.

Trước khi ông Đỗ Tiến Sĩ lên nhậm chức, vị trí Chủ tịch HĐQT do ông Đỗ Xuân Chiểu nắm giữ, thời gian khá dài, hơn chục năm cho đến năm 2022.

Điểm chung của các thời kỳ Chủ tịch Pomina, là các thành viên HĐQT - Tổng Giám đốc đều là các anh em nhà họ Đỗ nắm giữ. Pomina đang là điển hình cho một “doanh nghiệp người nhà” trên sàn chứng khoán.

Ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch HĐQT hiện tại của Pomina

CTCP Thép Pomina ngày nay, tiền thân là nhà máy thép Pomina 1 do Công ty TNHH Thép Việt sáng lập, đầu tư xây dựng vào năm 1999 trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh.

Trước yêu cầu cấp bách đòi hỏi một sản phẩm thép chất lượng cao, bền vững cho các công trình, Thép Việt quyết định đầu tư 525 tỷ đồng xây dựng nhà máy với công suất 300.000 tấn/năm và đưa vào sản xuất năm 2002. Hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị được sản xuất bởi công ty VAI-Pomini của Ý.

Ra đời, Pomina nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường sắt thép xây dựng, đặc biệt là các công trình trọng điểm, do đa dạng hóa các chủng loại thép xây dựng. Pomina có thể sản xuất được các loại thép theo tiêu chuẩn Nhật Bản, Mỹ, EU, Nga… Hệ thống phân phối trải dài từ Bắc vào Nam nhờ tận dụng ưu thế từ Công ty Thép Việt. Pomina trở thành một thương hiệu thép phổ biến trên thị trường.

Nhà máy 1 chạy hết công suất, phát tín hiệu khả quan; tiếp đà phát triển, dàn cán thép thứ 2 được đầu tư, đi vào sản xuất năm 2005 với công suất 300.000 tấn/năm. Dàn cán thép thứ 2 cũng được cung cấp bởi doanh nghiệp Simac của Ý. Tổng mức đầu tư 2 dàn cán thép này lên đến 1.100 tỷ đồng. Điểm khác biệt là dàn cán thép thứ 2, ngoài thép xây dựng còn có thể cán thép hình các loại như U, I V, H.

Năm 2007 Pomina đưa vào hoạt động dây chuyền luyện cán phôi công suất 500.000 tấn/năm tại khu công nghiệp Phú Mỹ nhằm đáp ứng một phần nguồn nguyên liệu đầu vào cho công ty. Năm 2009 nhà máy Pomina 3 được hoàn thành, nâng tổng công suất thép xây dựng lên 1,1 triệu tấn/năm và 500.000 tấn phôi/năm.

Liên tục phát triển, đến năm 2011 Pomina xây dựng nhà máy luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại khu công nghiệp Phú Mỹ, đưa vào sản xuất vào qúy IV/2012.

Tính đến thời điểm năm 2013, Pomina công bố là nhà máy thép lớn nhất Việt Nam với công suất luyện phôi thép 1,5 triệu tấn và công suất cán thép xây dựng 1,1 triệu tấn.

Sự nâng cấp, mở rộng các nhà máy của Pomina bắt đầu “chững” lại từ đây khi thị trường thép nói chung có thêm nhiều “ông lớn” cạnh tranh, miếng bánh thị phần bị chia nhỏ. Pomina lúc đó mở rộng quá nhanh Pomina cũng gia tăng nợ nần chồng chất.

Doanh nghiệp hôm nay: Pomina (POM) - hành trình từ số 1 đến nợ nần, liệu có ‘tái khởi’ thành công?
Cơ cấu nợ/tổng tài sản của Pomina

Năm 2014 sau khi đạt số 1 quy mô nhà máy thép, luyện phôi, tổng nợ phải trả của Pomina vượt 7.000 tỷ đồng, chiếm gần 75% tổng tài sản, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 5.556 tỷ đồng, tăng 70% so với đầu năm; dư vay nợ thuê tài chính dài hạn thêm 789 tỷ đồng, giảm gần 40% so với đầu năm. Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn hơn 6.300 tỷ đồng.

Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí tài chính tăng vọt, tổng chi phí tài chính các năm 2013, 2014, trong đó chi phí lãi vay chiếm từ 68-80%.

Gánh nặng nợ vay bào mòn lợi nhuận, từ mức lãi hàng trăm tỷ đồng trước đó, lợi nhuận Pomina bắt đầu giảm dần, về vùng ngấp nghé lỗ từ năm 2012. Năm 2013 lỗ gần 200 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Pomina chủ động giảm dần nợ vay, “chững” lại các khoản đầu tư mở rộng nhà máy. Năm 2016, 2017 và 2018 là những năm hoàng kim khi báo lãi hàng trăm tỷ đồng, trong đó lợi nhuận lịch sử 2017 đạt xấp xỉ 700 tỷ đồng.

Năm 2019 một lần nữa Pomina đổ tiền vào xây dựng lò cao và hoàn thành, đưa vào sản xuất năm 2021. Dự án “ngốn tiền” khiến gánh nặng nợ vay của công ty tiếp tục gia tăng, năm 2019 Pomina lỗ 310 tỷ đồng.

Doanh nghiệp hôm nay: Pomina (POM) - hành trình từ số 1 đến nợ nần, liệu có ‘tái khởi’ thành công?
Kết quả kinh doanh của Pomina

Đỉnh điểm ở năm 2022 khi ngành thép nói riêng và ngành xây dựng nói chung gặp khó khăn do tác động từ dịch bệnh Covid-19, sự đứt gãy logistic và sự ảm đạm của thị trường bất động sản. Với khoản chi phí tài chính hơn 500 tỷ đồng, năm 2022 Pomina đã lỗ trên 1.100 tỷ đồng - số lỗ lớn nhất từ trước đến nay. Tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2022 hơn 444 tỷ đồng.

Năm 2023 vừa qua doanh thu giảm sút 75%, xuống dưới 3.300 tỷ đồng. Đồng thời gánh nặng chi phí tài chính, trong đó có đến 577 tỷ đồng chi phí lãi vay (tăng 116 tỷ đồng so với cùng kỳ). Cộng với các biến động của thị trường sắt thép, khiên Pomina có thêm năm thứ 2 liên tiếp lỗ sâu, hơn 960 tỷ đồng, nâng tổng lỗ lũy kế lên 1.270 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả vượt 18.800 tỷ đồng, chiếm 85% tổng tài sản; trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn (5.466 tỷ đồng) và vay nợ thuê tài chính dài hạn (845 tỷ đồng) đã vượt 6.300 tỷ đồng.

Cổ phiếu bị kiểm soát, người nhà lãnh đạo đua nhau thoái vốn

Khó khăn chồng chất, ngày 3/10/2023 Sở Giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh đã ra thông báo chuyển cổ phiếu POM từ diện cảnh báo sang diện bị kiểm soát. Nguyên nhân do Pomina chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.

Trước đó cổ phiếu POM đã được theo dõi ở diện cảnh báo từ tháng 4/2023 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2022 trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022 là -444 tỷ đồng; do công ty đã chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 theo quy định và do công ty chậm nộp báo cáo tài chính năm đã kiểm toán trong 2 năm liên tiếp.

Cổ phiếu bị kiểm soát, người nhà lãnh đạo công ty liên tục mang cổ phiếu ra bán. Nếu tính trong năm 2023, bà Đỗ Thị Nguyệt, chị gái Chủ tịch HĐQT Đỗ Duy Thái đã bán hết toàn bộ hơn 4,5 triệu cổ phiếu POM; bà Đỗ Thị Kim Cúc bán bớt 3 triệu cổ phiếu; bà Nhung Do bán hết toàn bộ hơn 7,2 triệu cổ phiếu; bà Đỗ Thị Kim Ngọc bán ra hơn 91 triệu cổ phiếu; bà Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương bán hết toàn bộ gần 2,5 triệu cổ phiếu….

Họ tên

Chức vụ

Số cổ phiếu 31/12/2022

Số cổ phiếu 31/12/2023

Đỗ Duy Thái

Chủ tịch HĐQT

869.400

869.400

Phạm Thanh Nghị

Vợ ông Thái

8.383.784

8.383.784

Đỗ Duy Hiếu

Con ông Thái

424.841

397.333

Đỗ Xuân Chiểu

Em ông Thái

1.650.480

1.650.480

Đỗ Thị Nguyệt

Chị ông Thái

4.588.103

0

Đỗ Văn Phúc

Anh ông Thái

3.536.538

3.536.538

Đỗ Thị Kim Lang

Em ông Thái

353.788

Đỗ Thị Kim Cúc

Em ông Thái

8.118.264

5.118.264

Nhung Do

Em ông Thái

7.283.927

0

Đỗ Thị Kim Ngọc

Em ông Thái

13.049.378

3.989.606

Trương Geb Đỗ Thị Cẩm Hương

Em ông Thái

2.486.118

0

Đỗ Văn Khánh

Em ông Thái

825.240

825.240

Đỗ Tiến Sĩ

Em ông Thái

8.602.216

8.602.216

Nguyễn Thị Tuyết

Vợ ông Đỗ Xuân Chiểu

8.160.504

8.160.504

Đỗ Hoài Khánh Linh

Em ông Thái

542.811

542.811

Chỉ tính riêng những người nhà họ Đỗ đã bán ra tổng cộng khoảng 27 triệu cổ phiếu POM, chiếm khoảng 10% vốn điều lệ của Pomina trong năm 2023.

Làn sóng bán ra của người nhà họ Đỗ vẫn tiếp tục sang đầu năm 2024 khi ngay những ngày đầu năm mới 2024 bà Đỗ thị Kim Cúc đã bán hết nốt hơn 5 triệu cổ phiếu còn lại, thoái sạch vốn.

Ông Đỗ Văn Khánh cũng đã hoàn tất bán ra gần 1 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Còn bà Đỗ Thị Kim Ngọc vừa đăng ký bán bớt một phần cổ phiếu POM đang nắm giữ.

Doanh nghiệp hôm nay: Pomina (POM) - hành trình từ số 1 đến nợ nần, liệu có ‘tái khởi’ thành công?
Diễn biến giá cổ phiếu POM trong 1 năm gần đây

Tái cấu trúc, liệu có “tái khởi” thành công?

Hiện Pomina chưa công bố kế hoạch tái cấu trúc cụ thể, tuy vậy chương trình tái cấu trúc lần này có vẻ quyết liệt khi các thành viên nhà họ Đỗ liên tục thoái bớt vốn. Thậm chí Công ty Thép Việt trước đó đăng ký bán bớt 1 triệu cổ phiếu nhưng bất thành. Hiện Thép Việt đang sở hữu hơn 146,3 triệu cổ phiếu POM (tỷ lệ 52,32%).

Pomina cũng đang “dọn đường” đón cổ đông chiến lược Nhật Bản. Tháng 10/2023 công ty công bố triển khai phương án phát hành 10,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược CTCP Nansei Steel, tương ứng tỷ lệ 3,65% thay vì khối lượng dự kiến 70,1 triệu đơn vị trước đó.

Hiện tại trên thị trường cổ phiếu POM đã duy trì giao dịch dưới mệnh giá hơn 1 năm nay. Hơn 7.000 cổ đông công ty vẫn đang chờ đợi phương án tái cấu trúc.

Pomina với lợi thế có các dây chuyền sản xuất thép xây dựng, thép hình và cả nhà máy luyện phôi thép, liệu có một lần nữa “tái khởi” thành công, định vị lại mình trên thị trường thép?